Búng Bình Thiên còn có tên gọi khác là hồ Nước Trời. Tương truyền, vào cuối thế kỷ 18, một viên tướng nhà Tây Sơn đã chọn Búng Bình Thiên làm căn cứ để tích trữ lương thực, huấn luyện binh sĩ. Lúc bấy giờ, khu vực này vẫn còn là một vùng đất khô cằn, viên tướng đó đã làm lễ tế cáo Trời - Đất xin ban nguồn nước cho binh sĩ. Sau khi khấn xong, ông rút kiếm đâm xuống lòng đất và một dòng nước ngọt trong vắt đã trào dâng lên khỏi mặt đất, theo thời gian nước tràn ngập thành hồ như ngày nay. Đây cũng là sự lý giải cho cái tên Búng Bình Thiên: “Búng” nghĩa là hồ, đầm; “Bình” nghĩa là bình yên, phẳng lặng; “Thiên” nghĩa là Trời.
Búng Bình Thiên có diện tích mặt nước vào mùa nước cạn khoảng 300ha, vào mùa nước nổi khoảng 900ha, độ sâu trung bình khoảng 4m, đặc biệt không bao giờ cạn nước. Cửa búng nối liền với sông Bình Di, vào mùa nước lũ, nước dòng sông đỏ nặng phù sa nhưng khi chảy vào cửa búng một vài trăm mét thì nước lại trở nên trong xanh, phẳng lặng. Người dân nơi đây cho biết, dưới lòng búng có nhiều loại rong, tảo có thể ngăn dòng nước chảy xiết, đồng thời có tác dụng lọc nước khiến nước hồ cứ xanh trong quanh năm.
Búng Bình Thiên là nơi tập trung sinh sống của đồng bào 4 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, trong đó, cộng đồng người Chăm có nhiều nét riêng và độc đáo với nếp sống văn hóa riêng. Đến đây, du khách sẽ gặp vài Thánh đường Hồi giáo với kiến trúc đặc trưng Tây Nam Á, mái vòm tròn đầu vuốt nhọn, cửa hình chữ U ngược, cột hình khối lăng trụ có tháp bầu tròn nhiều mặt. Vào thăm làng Chăm được hình thành cách đây hơn 100 năm với những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, trẻ thơ vui đùa trên đường làng… Dọc làng Chăm có gần chục quán “cóc sàn” (quán như nhà sàn người Chăm thu nhỏ) khá độc đáo. Chủ quán là những người nông dân, mùa lúa đi làm đồng, mùa nước nổi dọn hàng ra bán với những món ăn mộc mạc, “siêu” rẻ nhưng rất ngon như: bún nước lèo cá lóc, bánh khọt, bánh xèo “nhụy” bông điên điển... Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu du khách có thể tham gia tour du lịch homestay tại đây để tìm hiểu phong cách sống của người Chăm theo đạo Hồi, thưởng thức một số món ăn dân dã của đồng bào Chăm như: lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển, chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non...
Nếu đến Búng Bình Thiên vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), du khách sẽ có dịp đi thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều nét chấm phá sinh động; tham dự một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm tại đây như: biểu diễn đua xuồng, biểu diễn trang phục truyền thống, thi bơi... và một số lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm như: lễ Tết Roya Phik Trok; lễ lớn Ramadan…, trong đó nổi bật nhất là Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên diễn ra vào ngày 30 và 31/8 hàng năm. Đây là liên hoan văn hóa đặc thù vùng đầu nguồn châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long, nơi người dân sinh sống chủ yếu bằng canh tác lúa và khai thác, đánh bắt thủy sản vào mùa nước lũ. Tham gia liên hoan, du khách không chỉ được thưởng thức chương trình nghệ thuật sân khấu nước tái hiện cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và người dân An Phú nói riêng mà còn được lắng nghe những câu hò, điệu lý, những bài đờn ca tài tử, những câu hát giao duyên đằm thắm, trữ tình, xen lẫn vào đó là tiếng rao bán hàng của các mẹ, các chị thánh thót trên một khúc sông...; tham gia vào các hoạt động thể thao sôi nổi như: đua thuyền, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, bơi lội, chống xuồng trên đồng và nhiều trò chơi dân gian khác...
Huyện An Phú đã quy hoạch, đầu tư xây dựng Búng Bình Thiên thành khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí với diện tích khoảng 139ha, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu quốc gia Khánh Bình nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.