Đất mũi Cà Mau – nơi cực Nam của đất nước là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Do vậy mà có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hoá đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc.
Vâng, mũi Cà Mau – nơi tận cùng phương Nam thao thức gọi mời những bước chân lữ hành. Khi bạn có mặt, chung quanh sẽ là đước, trước mặt là biển; đầu đội trời chân đạp đất, nghe lặng thầm điệu ru đất nước dầu dãi 300 năm lớp con Rồng cháu Lạc đi mở cõi xứ này đặt tên mũi Cà Mau.
Với một vùng đất phù sa mầu mỡ có những khu rừng ngập nước quanh năm; dưới tán rừng có nhiều loài chim, thú, thủy sản sinh sống đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ.
Trước hết phải nói tới rừng ngập mặn với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đặc biệt bãi bồi đất mũi là vùng giao lưu của triều biển Đông và biển Tây, như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng diện tích ra biển tới vài trăm hecta. Cây mắm, cây bần, cây đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm...
Từ Mũi Cà Mau có thể nhìn thấy cụm đảo Hòn Khoai trên biển, cách đất liền chừng 20km. Đây là cụm đảo đẹp gồm các Hòn Tượng, Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Lớn, Hòn Đồi Mồi. Lớn nhất và cao nhất là Hòn Khoai, rộng khoảng 4km², đỉnh cao 318m, có ngọn hải đăng quan trọng của khu vực biển Đông, vịnh Thái Lan.