Thứ năm, 14/05/2020,21:54 (GMT+7)
12 mặt hàng xuất khẩu nào có nguy cơ bị mạo danh xuất xứ?
Tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có 12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị mạo danh xuất xứ gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng.
 
Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, Việt Nam đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
 
xuat-khau-do-go-4151-1589440402.jpg
Bộ Công Thương cảnh báo 12 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị mạo danh xuất xứ (Ảnh: Internet) 
 
 
Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với hàng hóa của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ...
 
Để có căn cứ xác định trọng tâm đấu tranh phòng chống tình trạng lẩn tránh PVTM,  Bộ Công Thương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM.
 
Hiện nay, danh sách đã được cập nhật vào tháng 4/2020 với 12 mặt hàng có nguy cơ cao để các cơ quan quản lý có thể dựa vào đó tiến hành các nhiệm vụ cần thiết để xử lý vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. 
 
Danh sách 12 mặt hàng gồm: Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đệm mút xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tủ gỗ xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đá nhân tạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU, xe đạp điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ và EU, ống đồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khớp nối bằng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, bánh xe thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, thép tiền chế xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vỏ bình ga xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ghim đóng thùng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 
 
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để cập nhật, chỉnh sửa Danh sách theo hướng tập trung hơn nữa vào nhóm sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
 
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình xử lý các nghi vấn của nước ngoài, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, cần có sự tích cực, chủ động tham gia, phối hợp của doanh nghiệp – những người hưởng lợi cũng như bị ảnh hưởng trực tiếp từ biện pháp của nước ngoài áp dụng.
 
Theo đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và PVTM tại một số thị trường nhập khẩu; thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu, tránh để tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu sang một thị trường duy nhất.
 
Thy Lê - (thoibaokinhdoanh.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu