Chủ nhật, 27/10/2019,07:11 (GMT+7)
3 điểm nhấn trên thị trường di động
Tính năng camera là ưu thế lớn nhất để người dùng quyết định chọn mua smartphone

Từ khá lâu rồi, thị trường di động ở Việt Nam là sân chơi của các thương hiệu ngoại. Thương hiệu Việt chủ yếu chỉ còn Bphone và mới hơn là Vsmart. Ở phân khúc cao cấp, chỉ một vài thương hiệu tạo thị phần riêng, còn đa số phải cạnh tranh khốc liệt trên chiến trường phân khúc trung cấp trở xuống. Ba điểm nhấn mà các thương hiệu đã dành nhiều tâm sức và đầu tư để phát triển và khám phá: thiết kế, camera và pin sạc. Theo đó, thử phân tích hướng đi của OPPO để trở thành một "hiện tượng" trên thị trường di động cực kỳ sôi động hiện nay.

Thiết kế kết hợp công nghệ và thời trang

Có thể nhận ra ngay phong cách thiết kế smartphone hiện nay là sự kết hợp tinh tế giữa tính công nghệ và thời trang. Các sản phẩm không chỉ tiện dụng theo chuẩn công thái học để cầm nắm dễ dàng, chắc chắn và thao tác thuận tiện mà còn phải bắt mắt cả người dùng trẻ yêu thời trang lẫn dân công nghệ.

3 điểm nhấn trên thị trường di động - Ảnh 1.

Dòng smartphone Reno2 series mang đậm dấu ấn riêng của OPPO ra mắt thị trường Việt Nam ngày 16-10

Hai yếu tố mà các thương hiệu đầu tư thiết kế lại là màn hình trước và mặt lưng của smartphone. Chỉ có điều, có lẽ mọi thứ đã tới giới hạn nên tình trạng thiết kế giống nhau trở nên phổ biến, thậm chí nếu không nói tên hay thiếu logo, người ta dễ bị nhầm lẫn giữa các sản phẩm. Xu hướng chung của thiết kế màn hình là bung tràn viền về cả 4 cạnh, có tỉ lệ hiển thị chuẩn điện ảnh rộng 19.5:9 hay 20:9 và đạt tỉ lệ màn hình so với thân máy lớn tới hơn 90%.

3 điểm nhấn trên thị trường di động - Ảnh 2.

3 điểm nhấn trên thị trường di động - Ảnh 3.

Cấu hình cụm Quad-camera trên OPPO Reno2 và Reno2 F

Sau khi iPhone X ra đời tháng 9-2017 với màn hình có một phần khuyết chính giữa phía trên gọi là notch (màn hình tai thỏ) chứa cụm camera selfie và các cảm biến, thế giới Android bắt đầu cuộc đua màn hình có notch. Tuy nhiên, khác với notch một kiểu dáng và kích thước lớn như các đời iPhone sau này, các hãng Android chạy đua thu nhỏ notch bị xem là "vướng mắt" này. Vào những tháng đầu năm 2018, OPPO đưa ra các dòng R15, F7, A3 có cụm camera selfie gói trong notch nhỏ gọn. Từ tháng 8-2018, với F9, R17, A7x, OPPO bung mạnh diện tích hiển thị của màn hình tràn viền với thiết kế notch camera selfie nhỏ xíu gọi là màn hình giọt nước. Từ tháng 6-2018, với chiếc Find X, OPPO đã thử bỏ luôn notch và cũng không theo cái xu hướng "đục lỗ" trên màn hình mà ứng dụng cơ chế cụm camera trượt.

Cái mặt lưng của các smartphone cũng là một cuộc đua thiết kế ngoạn mục mà nét chung là cong và bóng lộn như gương. Nếu không ốp luôn một tấm kính cường lực ở mặt lưng, nhiều hãng ứng dụng thiết kế các cạnh cong 2.5D rồi 3D và sử dụng công nghệ phun màu đặc biệt để tạo ra hiệu ứng chuyển màu phản chiếu ánh sáng giúp màu sắc sẽ chuyển động linh hoạt mỗi khi thay đổi góc nhìn.

Từ camera kép tới 4 camera

Khi quyết định mua một chiếc smartphone mới, người dùng thường hỏi: Chụp ảnh có đẹp không? Vì thế, các hãng đã đua nhau đầu tư và dài hơi cho công cuộc nghiên cứu và phát triển tính năng chụp ảnh trên smartphone.

Chỉ có vài hãng chọn sử dụng thấu kính của Carl Zeiss (Nokia), Leica (Huawei), các hãng Android khác nâng cấp khả năng chụp ảnh của mình bằng những cảm biến hiện đại (phần lớn của Sony) kết hợp với sức mạnh chụp ảnh của các chip xử lý di động thế hệ mới. Và bao trùm lên trên tất cả là sức mạnh từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Cụm camera phía sau đã được tăng cường từ camera kép lên 3 camera và mới nhất là 4 camera. Cá biệt có Nokia 9 PureView trình làng hồi tháng 2, có tới 5 camera phía sau. Độ phân giải camera sau cũng không ngừng được nâng lên, một số hiện tới 48MP, Redmi Note 8 Pro được Xiaomi đưa ra hồi tháng 8 có camera sau 64MP.

Trong cuộc chiến camera trên smartphone này, OPPO có những đột phá riêng. Ngay từ tháng 9-2013, OPPO đã gây "bão" trên truyền thông di động khi đưa ra smartphone OPPO N1 có cụm camera xoay. Tới tháng 10-2014, chiếc smartphone có camera xoay tự động đầu tiên của thế giới là OPPO N3 đã được hãng ra mắt tại sự kiện ở Singapore.

Trong năm 2018, OPPO thực hiện một sứ mạng kép: cải tiến camera và giải quyết cái notch "vướng mắt" trên màn hình. Và chiếc OPPO Find X ra đời tháng 6-2018 đã trở thành chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có thiết kế toàn màn hình Panoramic Arc Screen nhờ công nghệ camera trượt. Tuy nhiên, thiết kế trượt nguyên cụm camera trước và sau này có nhược điểm là nặng nề và làm chậm đi tốc độ chụp ảnh bình thường. Đó là lý do mà tới tháng 3, OPPO đưa ra dòng F11 Pro chỉ ứng dụng công nghệ trượt cho camera selfie. Đây quả là một giải pháp tối ưu khi cụm camera chính vẫn nằm cố định ở phía sau và có thể chụp ảnh ngay khi cần. Chỉ một tháng sau đó, OPPO ra mắt dòng smartphone hoàn toàn mới Reno cũng chỉ có camera selfie dạng trượt. Dòng OPPO Reno2 tiếp tục kế thừa công nghệ camera selfie trượt tự động này.

Tuy nhiên, trang bị về phần cứng cho camera chỉ là một phần. Cái tạo nên sự khác biệt ở OPPO chính là ở phần hồn dựa trên thuật toán thông minh của AI xử lý toàn bộ tác vụ chụp ảnh.

Pin lâu và sạc siêu nhanh, an toàn

Một trong những yếu tố cơ bản để người dùng quyết định chọn mua loại smartphone nào chính là thời lượng pin của nó. Smartphone ngày nay ngốn pin rất dữ, vì thế nó cần có dung lượng pin lớn kèm với tính năng hỗ trợ sạc nhanh. Trong khi đó, về lý thuyết, càng sạc nhanh bao nhiêu, nguy cơ cháy nổ pin càng cao bấy nhiêu.

Thật ra, dung lượng pin lớn chỉ là một phần của vấn đề năng lượng. Mấu chốt vẫn là thời lượng sử dụng pin. Điều này là một sự phối hợp nhịp nhàng giữa phần mềm và phần cứng, giữa tính năng quản lý năng lượng của chip di động và hệ điều hành với công nghệ riêng của hãng.

Trên thị trường di động hiện nay nổi bật là công nghệ Quick Charge (sạc nhanh) của Qualcomm, hiện đã phát triển tới phiên bản Quick Charge 4+, được tối ưu hóa cho các thiết bị chạy các nền tảng di động Snapdragon của Qualcomm. Nhưng OPPO đã phát triển một công nghệ sạc nhanh riêng với cách tiếp cận khác Qualcomm. Đó là công nghệ sạc nhanh VOOC được giới thiệu từ năm 2014 và hiện trên thế giới có hơn 100 triệu thiết bị hỗ trợ sạc VOOC này. OPPO chú trọng an toàn trước tiên cho công nghệ sạc nhanh VOOC, vì thế có đến 5 lớp bảo vệ được OPPO đưa vào công nghệ sạc nhanh cho các sản phẩm gồm: kiểm tra dòng trên củ sạc, trên smartphone, nhận dạng sạc nhanh VOOC trên củ sạc, trên smartphone, cầu chì cũng được tích hợp vào điện thoại. Nếu phát hiện pin quá tải hay nóng bất thường, IC ngay lập tức ngắt sạc.

Ở dòng smartphone mới nhất Reno2, OPPO ứng dụng công nghệ sạc siêu nhanh VOOC Flash Charge 3.0 (20W) do mình phát triển. Pin 4.000mAh có thể được sạc tới 51% dung lượng chỉ trong 30 phút. 

Vào quý II/2019, OPPO đứng thứ 3 toàn cầu về số lượng smartphone xuất xưởng (theo IHS) và đứng thứ 2 về thương hiệu ở châu Á - Thái Bình Dương (theo Canalys).

Đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển

Có thể nói, các thương hiệu hiện tập trung vào 3 điểm nhấn để phát triển sản phẩm, có chênh nhau là về mức độ. Nhưng từ "hiện tượng" của OPPO cho thấy họ nhờ đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển, không ngừng nâng cao trải nghiệm người dùng nhưng vẫn không làm "đội giá" thành sản phẩm.

Trong sự kiện ra mắt dòng smartphone mới Reno2 tại Việt Nam ngày 16-10 vừa qua, ông Đỗ Quang Kha, Tổng Giám đốc điều hành OPPO Việt Nam, chia sẻ: "Hơn 11 năm trên thị trường quốc tế và gần 7 năm có mặt ở Việt Nam, mỗi sản phẩm ra đời của OPPO đều kết tinh từ quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm cũng như lắng nghe những ý kiến, những thói quen thực tế trong cuộc sống từ người dùng. OPPO đã định hình hướng đi mới của mình với 3 dòng sản phẩm chính, bao gồm A series 2020 hướng đến những trải nghiệm mạnh mẽ và tiện ích trong cuộc sống, Reno series cho những người yêu sáng tạo và Find series hướng đến phong cách và hình ảnh premium. Với sự thay đổi của OPPO lần này, chúng tôi muốn chứng minh sự thấu hiểu và luôn luôn sẵn sàng lắng nghe, đáp ứng những nhu cầu cần thiết của khách hàng".

Bài và ảnh: PHẠM HỒNG PHƯỚC - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu