Thứ tư, 15/12/2021,23:17 (GMT+7)
40 năm vướng quy hoạch treo
Hàng trăm hộ dân sống giữa nội ô TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu gần 40 năm nay không có nổi một tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bởi quy hoạch treo cứ tiếp nối từ năm này qua năm khác
 
Chúng tôi có mặt tại khu dân cư (KDC) tập thể Sở Nông nghiệp (cũ) - nơi được xem là nhếch nhác nhất giữa trung tâm TP Bạc Liêu. Hình ảnh hiện ra trước mắt chúng tôi là con hẻm cứ mưa là ngập lênh láng, chạy qua từng dãy nhà xập xệ như tái hiện khung cảnh ở một vùng quê nghèo sông nước.
 
Nỗi khổ thị dân
Anh Hoàng Hồng Kim, một giáo viên sống trong căn nhà số C02 KDC tập thể Sở Nông nghiệp, cho biết anh sinh ra và lớn lên ở đây đã hơn 30 năm. Căn nhà chung của gia đình 3 thế hệ đã trải qua ngần ấy năm không thể xây dựng, hư hỏng đến đâu thì vá víu đến đó.
 
"Phần đất này nhà nước giao cho cha tôi sử dụng khoảng 40 năm trước. Năm 2000, gia đình tôi làm thủ tục hóa giá nhưng bị dừng lại đến nay vì vướng quy hoạch. Dân sống ở đây mấy chục năm không thể xây nhà mới vì bị quy hoạch treo và không thể đăng ký quyền sử dụng đất. Chúng tôi mang tiếng thị dân ở giữa trung tâm thành phố mà nhà cửa, đường sá còn không bằng nhiều nơi ở nông thôn" - anh Kim ngao ngán.
 
Đầu năm 2021, dự án Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - tiểu dự án TP Bạc Liêu (gọi tắt là LIA) - được triển khai thi công 1 đường và 5 hẻm tại KDC này. LIA là dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, đầu tư nâng cấp các đường hẻm trong những KDC nghèo, thu nhập thấp.
 
40 năm vướng quy hoạch treo - Ảnh 1.
 
Cho tới khi người vợ qua đời, ông Phùng Tuấn Lộc vẫn chưa thực hiện được mơ ước làm chủ mảnh đất của mình "Thấy các con hẻm được xây dựng, nâng cấp, ai cũng vui mừng. Nhiều người định làm thủ tục hóa giá, xin cấp "sổ đỏ" để chuẩn bị xây nhà mới nhưng chưa cơ quan nào giải quyết. Họ nói sắp có quy hoạch khu đô thị mới gì đó.
 
Chúng tôi rất lo lắng, không biết quy hoạch có treo nữa không và có giải tỏa trắng không. Nếu giải tỏa thì chúng tôi sẽ sống ở đâu? Phần đất gia đình tôi tuy đã sử dụng trên 40 năm nhưng chưa có giấy tờ sở hữu thì căn cứ bồi thường, tái định cư ra sao?" - anh Kim hoang mang.
 
Bà Đào Thị Vĩnh, cũng là một giáo viên, bùi ngùi: "Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ chắc do cha mẹ mình nghèo nên phải sống trong khu nhà nghèo, chứ đâu hiểu khu đất mình ở vướng quy hoạch treo nên không được làm đường, cất nhà. Gia đình có được 800 m2 đất, cha mẹ tôi phân chia cho 4 chị em, dự tính đăng ký làm "sổ đỏ", tách thửa, xây nhà… nhưng chưa làm được vì chính quyền địa phương không giải quyết do sắp quy hoạch khu đô thị gì đó".
 
Gần đó, ông Phùng Tuấn Lộc, làm nghề bốc vác ở chợ Bạc Liêu, cho biết đã sống ở KDC này gần 40 năm. Mùa mưa nước ngập không lối thoát, nhiều căn nhà trở thành nơi trú ngụ của chuột, bọ vì xuống cấp, dột nát không sửa được.
"Mấy chục năm trời, vợ chồng tôi ao ước được đứng tên chính chủ thửa đất để an tâm sinh sống nhưng chờ mãi không làm được vì cứ vướng quy hoạch. Vợ tôi đã mất mấy năm rồi, tôi hiện vẫn làm nghề bốc vác để nuôi đứa cháu hơn 10 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh" - ông Lộc ngậm ngùi.
 
Quy hoạch chồng chéo
Năm 1997, KDC tập thể Sở Nông nghiệp nằm trong quy hoạch mở rộng Công viên Trần Huỳnh. Đến năm 2000, tỉnh Bạc Liêu điều chỉnh, tách khu này ra khỏi quy hoạch công viên, cho người dân làm thủ tục hóa giá nhà (với những hộ được nhà nước cho thuê).Tuy nhiên, hồ sơ thủ tục hóa giá dừng lại vì Công ty Phát triển nhà Bạc Liêu vào quy hoạch KDC.
 
Quy hoạch trên lại bị treo đến năm 2012, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục giao khu đất này cho một công ty địa ốc ở Cần Thơ quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng KDC tái định cư. Song, từ lúc được giao cho đến khi bị thu hồi vào năm 2017, nhà đầu tư dường như không làm gì.
 
Năm 2018, Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu quyết định điều chỉnh KDC tái định cư lại thành KDC tự chỉnh trang, đồng thời triển khai dự án LIA. Người dân được thông báo làm thủ tục hóa giá phần đất họ đã ở mấy chục năm. Nhưng rồi mọi quyền lợi của người dân đều phải dừng lại vì UBND TP Bạc Liêu tiếp tục phê duyệt chấp thuận cho nhà đầu tư khác lập quy hoạch chồng lên khu đất này một lần nữa.
 
Cụ thể, UBND TP Bạc Liêu vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 khu chỉnh trang đô thị Tây Trần Phú (phường 7) trên diện tích hơn 5,5 ha, chồng lên dự án LIA đang thi công. Nếu dự án khu chỉnh trang đô thị Tây Trần Phú được giao cho nhà đầu tư khai thác, cũng có nghĩa ước mơ xây nhà cửa khang trang mấy chục năm nay của người dân sẽ tan thành mây khói, thậm chí họ còn phải di dời đi nơi khác.
 
"Vừa rồi, phường gửi phiếu lấy ý kiến dân cư để làm gì chúng tôi đọc cũng không hiểu lắm. Nguyện vọng chung của người dân nơi đây là được giữ lại phần đất, được làm giấy tờ đất và tự xây cất nhà ở. Cũng vì mục tiêu nâng cấp đô thị mà nhà nước đã vay vốn nước ngoài xây dựng đường cho dân thì tại sao các cơ quan chức năng địa phương, cụ thể là UBND TP Bạc Liêu, lại không cho chúng tôi làm các thủ tục pháp lý để xây dựng nhà ở?" - ông Nguyễn Đình Đồng, người dân sống trong KDC tập thể Sở Nông nghiệp hơn 40 năm, băn khoăn. 
 
Không có chuyện trùng lắp?
Ông Trần Văn Mậu, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, cho rằng việc lập quy hoạch mới sẽ chồng lên khu đất đang triển khai LIA, song không thừa nhận là chồng chéo và xung đột giữa 2 dự án. "Đó là 2 dự án riêng biệt, phần nào LIA làm thì làm, phần nào thuộc KDC chỉnh trang thì nhà nước hoặc nhà đầu tư làm. Không có chuyện trùng lắp hay xung đột giữa 2 dự án".
Trong khi đó, trước lúc được cấp vốn vay ODA để thực hiện LIA, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản cam kết với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... là dự án này không trùng lắp dự án khác cùng lĩnh vực trên địa bàn.
Bài và ảnh: DUY NHÂN (nld.com.vn)

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu