Thứ bảy, 04/04/2020,06:45 (GMT+7)
61.500 tỉ đồng hỗ trợ an sinh xã hội: Chi đúng và kịp thời cho người dân
Người đứng đầu ở địa phương phải có trách nhiệm giám sát để gói hỗ trợ an sinh xã hội không bị trục lợi
 
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, Chính phủ đã dự thảo nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới hơn 61.500 tỉ đồng với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nghèo, người lao động (NLĐ) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch.
 
Hỗ trợ NLĐ giảm sâu về thu nhập
Về quy mô gói hỗ trợ an sinh xã hội này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến ngân sách là trên 61.500 tỉ đồng, sẽ hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc điều chỉnh của nghị quyết này. Gói hỗ trợ này tập trung nguồn chủ yếu từ ngân sách nhà nước.
 
Với 6 nhóm đối tượng thụ hưởng gồm: 1,2 triệu người có công đang hưởng chính sách thường xuyên; 2,8 triệu người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội; trên 900.000 hộ nghèo; 1,2 triệu hộ cận nghèo; nhóm NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; nhóm lao động không có giao kết HĐLĐ, mất việc làm; NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp (DN); nhóm hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ; nhóm DN không có khả năng trả lương tối thiểu cho NLĐ… "Nghị quyết đã phân công rất rõ trách nhiệm cho từng bộ - ngành, địa phương. Người đứng đầu ở địa phương phải có trách nhiệm giám sát để gói hỗ trợ an sinh xã hội không bị trục lợi.
 
Gói hỗ trợ này phải được chi đúng đối tượng, chi công khai, minh bạch trong dân và cho người được hưởng. Bên cạnh đó, việc công khai, minh bạch để nhân dân, nhất là MTTQ, các đoàn thể, các cơ quan giám sát chặt chẽ, đồng thời sẽ xử lý nghiêm minh tất cả trường hợp vi phạm trục lợi chính sách" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
 
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đánh giá gói hỗ trợ này được coi là một xã hội đoàn kết, chăm lo, thương yêu nhau, quyết tâm, đồng lòng vừa ngăn chặn đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo đều được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng) là một quyết định nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước.
 
Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết những ngày qua, rất nhiều chia sẻ gửi tới MTTQ Việt Nam các cấp. "Có những món tiền không lớn, chỉ là 50.000 đồng, 100.000 đồng, thậm chí 10.000 đồng, 20.000 đồng của người dân gửi tới MTTQ, hay chỉ là một mớ rau, một quả bầu của cụ già 89 tuổi mang đến nơi cách ly... MTTQ sẽ cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giám sát vấn đề này và đề nghị làm sao phân bổ kịp thời đến các đối tượng hưởng gói hỗ trợ này" - ông Trần Thanh Mẫn nói.
 
61.500 tỉ đồng hỗ trợ an sinh xã hội: Chi đúng và kịp thời cho người dân - Ảnh 1.
Người bán vé số dạo ở tỉnh Cà Mau được nhận 60.000 đồng/ngàyẢnh: VÂN DU
Nhiều nơi hỗ trợ người bán vé số dạo
Ngày 2-4, Thường trực UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau có 2.166 người bán vé số dạo, trong đó có 283 trường hợp nghèo và cận nghèo. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải giao các địa phương rà soát đầy đủ, chính xác các đối tượng bán vé số để việc hỗ trợ được triển khai nhanh, chính xác, tránh qua trung gian, không đúng đối tượng.
 
Cũng trong cuộc họp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Thanh đã đề xuất mức hỗ trợ 60.000 đồng/người/ngày đối với những người bán vé số dạo. Ý kiến này đã được chủ tịch UBND tỉnh này chấp thuận. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1 đến 15-4 và hỗ trợ một lần theo danh sách thống kê của ngành chức năng.
 
UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đã thống nhất hỗ trợ cho khoảng 1.800 người bán vé số trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng. Theo đó, toàn tỉnh Bạc Liêu thống kê có khoảng 1.600-1.800 người bán vé số trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung đã thống nhất chi mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày trong vòng 15 ngày cho tất cả người bán vé số, kể cả những người không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguồn chi được trích từ nguồn của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu.
 
Đối với người bán vé số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng và trực tiếp bán vé số (thống kê có khoảng 551 đối tượng), chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chi hỗ trợ thêm với mức 600.000 đồng/đối tượng. Nguồn kinh phí trích từ quỹ an sinh xã hội của địa phương.
 
Ngày 2-4, ông Lê Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Sóc Trăng, cho biết UBND tỉnh này đã đồng ý cho DN hỗ trợ 3.000 người bán vé số trong toàn tỉnh 60.000 đồng/người/ngày trong 15 ngày không phát hành vé số. Thông qua hệ thống Ủy ban MTTQ các cấp, DN xổ số chi một lần với số tiền 900.000 đồng/người, bắt đầu từ ngày 6-4. 
 

Nhiều chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng

Ngày 2-4, lãnh đạo xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết Ban Chỉ huy Công an xã Bình Chánh đã vận động chủ nhà trọ trên địa bàn giảm tiền thuê phòng cho NLĐ. Đến nay đã có 59/117 chủ nhà trọ hưởng ứng và đồng ý giảm từ 10%-20% tiền phòng cho 749 phòng với 1.277 nhân khẩu. Các chủ nhà trọ đã đồng ý giảm tiền phòng trong tháng 4 và 5.

B.Nghi

Nhóm phóng viên link - (nld.com.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu