Chủ nhật, 25/08/2019,07:03 (GMT+7)
70 năm vươn mình của chính quyền TP HCM
Lịch sử 70 năm chính quyền TP HCM đã vận hành trong những điều kiện, bối cảnh hết sức phức tạp nhưng cũng rất năng động, sáng tạo, đột phá làm nên những thành tựu quan trọng

Sáng 23-8, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo lịch sử 70 năm chính quyền TP (1945-2015). Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì hội thảo.

Thăng trầm, năng động, sáng tạo

Các đại biểu cho rằng lịch sử 70 năm chính quyền TP đã vận hành trong những điều kiện, bối cảnh hết sức phức tạp, trải qua 30 năm chiến tranh khốc liệt, 40 năm sau ngày giải phóng với biết bao bước thăng trầm, chồng chất khó khăn nhưng cũng rất năng động, sáng tạo, đột phá làm nên những thành tựu quan trọng, góp phần đưa TP trở thành đô thị đặc biệt, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước.

70 năm vươn mình của chính quyền TP HCM - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng lịch sử 70 năm chính quyền TP là di sản lịch sử và hành trang vô cùng quý báu

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Chánh Trực cho rằng thời kỳ sau giải phóng đến năm 1986 là thời kỳ rất đặc biệt và rất quan trọng trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển đất nước nói chung và lịch sử TP nói riêng. Vì vậy cần phải đầu tư nghiên cứu sâu và đánh giá đúng mức hơn. Thời kỳ từ khi có nghị quyết đổi mới đến nay tuy có thể chia ra nhiều giai đoạn nhỏ nhưng tính chất chung không có sự thay đổi lớn, vẫn thuộc phạm trù nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. "Vì vậy cần phản ánh diễn biến lịch sử và đánh giá quá trình các sự biến đổi kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa… một cách sâu sắc và làm rõ nét những tính chất và đặc điểm nổi bật của 2 thời kỳ đó" - ông Trực nói. Với quan điểm đó, nguyên Chủ tịch HĐND TP đề nghị cần làm nổi bật vai trò quần chúng làm nên lịch sử; làm rõ phong trào tình nguyện xã hội của nhân dân, đặc biệt là phong trào nhà máy, xí nghiệp hưởng ứng kế hoạch B, C, "xé rào", "bung ra" làm tiền đề dẫn tới đổi mới.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ cho rằng lịch sử 70 năm chính quyền TP không thể bỏ qua thời kỳ quân quản dù thời kỳ này ngắn. Còn Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải cho rằng nên đề cập sâu về vai trò giám sát của HĐND bởi đây là một trong 2 chức năng lớn của HĐND. Ban biên soạn cần chỉ ra những nghị quyết lớn của HĐND TP trong tất cả các giai đoạn lịch sử; xây dựng bộ máy chính quyền cần thực hiện rõ về thiết chế.

Hành trang vô cùng quý báu

PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TP, cho biết lịch sử 70 năm chính quyền TP là lịch sử của chính quyền cách mạng được ra đời sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 do Đảng lãnh đạo cho đến cuối năm 2015. Ông cho hay qua hơn 2 năm thực hiện, Ban Biên soạn Lịch sử chính quyền TP đã hoàn thành bản thảo lần 1 gồm 3 tập "Lịch sử 70 năm chính quyền TP HCM giai đoạn 1945-2015". Tập I giới thiệu khái quát đặc điểm địa lý, lịch sử vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, TP HCM ngày nay; lịch sử chính quyền cách mạng ở Sài Gòn và Gia Định từ 1945-1975; nhìn lại 30 năm chính quyền cách mạng và rút ra bài học kinh nghiệm. Tập II nói về chính quyền TP trong giai đoạn 1975-2015, thành tựu và một số bài học của 40 năm xây dựng chính quyền TP sau ngày giải phóng miền Nam đến năm 2015. Tập III là tập phụ lục, gồm những sự kiện, nhân vật, mốc son quan trọng của lịch sử 70 năm chính quyền nhân dân TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu việc biên soạn lịch sử 70 năm chính quyền TP phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, khách quan, thể hiện được đặc điểm lịch sử tình hình thực tiễn cũng như tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, trên cơ sở phù hợp với quan điểm, đường lối chính sách pháp luật của nhà nước, sự lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy qua các thời kỳ. "Đây là di sản lịch sử và hành trang vô cùng quý báu, làm nền tảng cho việc xây dựng TP mang tên Bác Hồ kính yêu ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình" - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP tiếp tục khẳng định với những giá trị cốt lõi của TP được tạo ra trong quá trình dựng nước, giữ nước chính là cơ sở để TP khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, sự năng động, sáng tạo, nỗ lực của chính quyền và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị được thể hiện trong hơn 70 năm qua, đặc biệt là 40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đến nay, là bài học kinh nghiệm, nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững của TP trong tương lai.

Trăn trở khi đến nay UBND TP vẫn chưa có phòng truyền thống dù chính quyền đã đi qua chặng đường hơn 70 năm, ông Nguyễn Thành Phong cho biết sau khi bộ sách hoàn thành sẽ chỉ đạo thành lập phòng truyền thống của UBND TP. "Cấp bách lắm rồi, trễ lắm rồi nên không thể chần chừ được nữa. Chúng ta dù có phát triển như thế nào cũng phải trên nền tảng lịch sử. Xây dựng phòng truyền thống để cán bộ, công chức thấy tự hào về bậc cha chú, biến niềm tự hào thành động lực để vươn lên" - ông Nguyễn Thành Phong nói. 

Đề nghị công nhận địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang làm hồ sơ đề nghị Khu Di tích địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.

Theo Chủ tịch UBND TP, đề nghị trên xuất phát từ gợi ý của ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, trong cuộc gặp với lãnh đạo TP trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. Ông Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao có nhiều năm kinh nghiệm, từng là ứng viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO năm 2017.

Bài và ảnh: PHAN ANH - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu