Thứ năm, 06/05/2021,07:31 (GMT+7)
Ấm bụng với cháo vịt xiêm
Hai ngày cuối tuần đều có mưa to. Đường sá ngập nước, nên dù không đi làm nhưng cũng chẳng muốn đi đâu chơi. Rảnh rỗi, vậy là mua vịt xiêm về nấu cháo đậu xanh cho cả nhà cùng thưởng thức. Mưa lạnh, ăn tô cháo đậu xanh nóng hổi, nhấm nháp từng miếng thịt vịt ngọt mềm quyện lẫn vị thơm, cay của nước mắm gừng thật ấm bụng!
 
Để có món cháo vịt ngon, nên chọn mua vịt xiêm vì ít nhiều thịt, ít mỡ, thịt dai ngọt. Vo sạch ít nếp, nêm chút gia vị gồm tiêu xay, hạt nêm, bột ngọt vào nếp, cắt tiết vịt vào, trộn đều rồi mang đi hấp cách thủy. Vịt sau khi đã làm sạch lông, mổ bụng thì khử mùi hôi đặc trưng bằng chà xát muối hạt lên toàn bộ thân vịt, rửa qua với nước ấm. Sau đó chà xát lên da vịt lần nữa với hỗn hợp rượu - gừng và cũng rửa sạch lại với nước ấm, để ráo nước.
 
Pha gạo với một ít nếp, đem vo sạch, chắt ráo nước, cho vào chảo rang đến khi hạt gạo ngả màu vàng hơi nâu, thơm lựng thì tắt bếp.
 
Bắc một nồi nước, thả vào nồi vài lát gừng, mấy củ hành tím nướng sơ nhằm khử mùi và tăng thêm hương vị cho món cháo vịt. Khi nước sôi, thả vịt vào luộc cùng với chút muối, lượng nước phải ngập vịt, vớt bọt nếu có. Luộc vịt khoảng 15 - 20 phút thì cho gạo đã rang vào cùng với đậu xanh đã ngâm trước vài tiếng. Thỉnh thoảng trở bề để vịt chín đều. Dùng đũa xăm thử vào phần thịt dày nhất của vịt, nếu không tiết ra màu hồng nữa là vịt đã chín. Vớt vịt ra, ngâm vào thau nước đá vài phút cho da vịt trắng và giòn. Kế đến, vớt vịt ra khỏi thau nước đá, để ráo, chờ nguội bớt.
 
Nếu khi vớt vịt ra khỏi nồi mà hạt gạo vẫn chưa nở thì tiếp tục nấu đến khi gạo và đậu xanh bung nở vừa phải, nêm nếm vừa ăn với chút hạt nêm. Trong quá trình nấu, thường xuyên dùng vá khuấy đều để tránh bị khét đáy nồi, gạo và đậu xanh cũng nở đều hơn. Cho vào nồi cháo ít hành lá xắt khúc và chút dầu phi hành.
 
Các loại rau để làm gỏi rất đa dạng, có thể dùng bắp cải, bắp chuối hoặc chuối ghém, tùy theo sở thích cùng với rau thơm, rau răm. Nếu dùng bắp cải thì bào mỏng, rửa sạch để ráo nước rồi cất vào tủ lạnh một lúc cho giòn. Nước trộn gỏi được pha từ nước cốt trái tắc (hoặc chanh, nhưng dùng trái tắc sẽ thơm hơn) và đường với tỷ lệ 1:1 và chút hành tây (hoặc hành tím) bào mỏng.
 
Nấu nước mắm - đường - nước theo tỷ lệ 1:1:0,5 khoảng 10 phút cho keo lại. Để hỗn hợp nước mắm nguội rồi xay gừng và ớt sừng cho vô. Khi nào ăn múc ra chén rồi vắt thêm ít nước cốt tắc hoặc chanh. Nếu không thích gừng làm đục nước và hơi nhẫn thì vắt bớt nước.
 
Vịt nguội bớt thì chặt thành miếng vừa ăn. Lấy một cái dĩa sâu lòng, cho một ít gỏi vào, xếp thịt vịt lên, tiếp đến là huyết nếp hấp, cho hành phi, trang trí với chút rau thơm, rau răm.
 
N.B - (baobaclieu.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu