Thứ hai, 15/06/2020,14:24 (GMT+7)
An Giang khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp
Du lịch (DL) nông nghiệp là phân khúc thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, mở ra cơ hội cho các vùng sản xuất thuần nông chuyển dịch cơ cấu kinh tế. An Giang là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai dự án phát triển DL nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
 
Trải nghiệm thú vị khi đi thuyền trên sông Hậu
 
Tiềm năng, lợi thế
 
Lợi thế của DL An Giang là địa hình vừa có đồng bằng, vừa có đồi núi, sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Không chỉ có dãy Thất Sơn huyền bí, sông nước hữu tình, An Giang còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng được xếp hạng, nhiều điểm đến kỳ thú với hệ sinh thái môi trường phong phú…
 
An Giang có hơn 68 địa điểm DL văn hóa - di tích lịch sử nổi tiếng, đây là những địa điểm được nhiều du khách ghé thăm khi đến An Giang. Ngoài ra, còn có 5 di tích lịch sử - văn hóa chưa được công nhận nhưng có tiềm năng khai thác DL. An Giang có nhiều món ăn ngon mang đặc trưng ẩm thực Nam Bộ, nhất là có nhiều món ăn rất sáng tạo như: bún cá Châu Đốc, bánh xèo rau rừng núi Cấm, cá linh kho mía…
 
Ngoài các món ăn của người Việt, các món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm (tung lò mò, cơm nị, cà púa, bánh Chăm), Hoa (mì vịt tiềm, cơm dương châu, vịt quay, bánh hẹ, sủi cảo, hủ tiếu, mì), Khmer (bánh canh Vĩnh Trung, cháo bò Tri Tôn, bánh bò thốt nốt, cốm dẹp) làm giàu thêm văn hóa ẩm thực và thu hút du khách đến với An Giang.
 
Cùng với DL gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội là sản phẩm DL đặc trưng thì DL tham quan, nghỉ dưỡng, DL sinh thái, DL cộng đồng, DL nông nghiệp... đang phát triển rất mạnh mẽ. DL nông nghiệp không chỉ là kênh tiếp thị hiệu quả quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, sông nước, con người An Giang đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn góp phần giúp nông dân tăng thêm thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng bền vững.
 
Điển hình ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) có Khu di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Tôn Đức Thắng, có nhiều vườn cây ăn trái… là nơi lý tưởng để tổ chức DL về nguồn và DL xanh. Du khách đến đây được thăm quê hương Bác Tôn, du ngoạn trên sông bằng thuyền, ra bờ sông Hậu tắm bùn phù sa, thu hoạch hoa màu, trái cây, tát mương, kéo lưới, câu cá, mò ốc, tham gia các trò chơi dân gian, chế biến và thưởng thức các món ăn dân dã…
 
Vài năm gần đây, lòng hồ Tân Trung (Phú Tân) là điểm DL sinh thái mới được khai thác với các sản phẩm ẩm thực vùng ngập nước và các loại hoa màu. Du khách ngắm cảnh thiên nhiên còn rất hoang sơ, trải nghiệm cuộc sống đời thường của những người nông dân thật thà, chất phác những chiếc áo bà ba, khăn choàng cổ. Khách tham quan sẽ được trở thành những nông dân chèo xuồng hái ấu, hái bông điên điển, bắt ốc…
 
Sau chuyến tham quan sông nước, du khách sẽ được thưởng thức một số món ăn dân dã gắn liền với sông nước: lẩu cua đồng, cá linh kho lạt chấm bông điên điển và rau đồng… đặc biệt là được thưởng thức, giao lưu đờn ca tài tử trong không gian “hương đồng, gió nội”.
 
DL nông nghiệp ở An Giang còn phát triển mạnh các dịch vụ: homestay, ẩm thực đồng quê, du thuyền trên sông, giăng lưới cá bông lau... thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, rừng tràm Trà Sư là một trong những điểm DL nổi tiếng nhất miền Tây Nam Bộ, với bầu không khí trong lành, Trà Sư thích hợp với du khách muốn “trốn” khỏi thành phố ồn ào, bụi bặm để tìm về với thiên nhiên.
 
Nhiều vườn dưa lưới trở thành nơi "check-in" lý tưởng cho các bạn trẻ  
 
Đa dạng hóa
 
Gần đây, nhiều nơi trong tỉnh phát triển DL nông nghiệp theo hướng trải nghiệm, góp phần tăng doanh thu cho hoạt động DL. Để trải nghiệm một chuyến DL nông nghiệp sạch tại An Giang, du khách chỉ bỏ ra khoản tiền nhỏ sẽ được trải nghiệm cuộc sống đồng quê trong lành, được tận tay hái trái sạch trong vườn thưởng thức… Nhiều mô hình DL nông nghiệp gắn với vườn cây sinh thái, du khách vừa tham quan vườn, vừa hái trái trên cây, câu cá dưới ao rồi tham gia chế biến và cùng thưởng thức…
 
Nhiều dự án đầu tư phát triển DL nông nghiệp đã được triển khai như: dự án phát triển mạng lưới các điểm, tuyến DL sinh thái và nông thôn mới cù lao Mỹ Hòa Hưng với 9 điểm và 3 tuyến (giai đoạn 2011-2020); xây dựng điểm, tuyến DL đường sông An Giang (làng cá bè, cù lao, kênh đào). Đặc biệt, việc phát triển loại hình DL nông nghiệp gắn với tín ngưỡng, lễ hội được đưa vào quy hoạch như một chương trình ưu tiên trọng điểm trong giai đoạn 2011-2020.
 
Đối với người dân ở các đô thị lớn, nông thôn là nơi lý tưởng để họ trải nghiệm cuộc sống, nên những mô hình DL nông nghiệp, DL xanh luôn được du khách hướng đến. Cùng với nhiều mô hình DL nông nghiệp, DL xanh đang phát triển như “nấm mọc sau mưa” thì vấn đề quan tâm hiện nay là sự đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm dịch vụ, trong khi sản phẩm DL nông nghiệp hiện nay chưa thật sự hấp dẫn, còn đơn điệu về dịch vụ, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm DL nông nghiệp chủ yếu khai thác tài nguyên sẵn có nên nhiều nơi trùng lặp nhau, nhất là các tỉnh có điều kiện sinh thái tương đồng.
 
Theo các chuyên gia, chất lượng đội ngũ lao động trong DL nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, do phần lớn những người phục vụ tại các điểm DL nông nghiệp đều là nông dân, họ chỉ quen sản xuất nông nghiệp, thiếu kỹ năng phục vụ du khách. Trong khi loại hình DL nông nghiệp đang rất được du khách, nhất là khách quốc tế quan tâm trải nghiệm, nên việc thiếu kỹ năng phục vụ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển loại hình DL này. Do đó, còn nhiều việc phải làm và có kế hoạch dài hơi để khai thác tốt hơn loại hình DL rất tiềm năng này.  
 
 
Năm 2019, An Giang đón 9,2 triệu lượt khách tham quan, DL, tăng 8,24% so năm 2018. Trong đó, khách quốc tế là 120.000 lượt (tăng 20% so cùng kỳ). Doanh thu từ hoạt động DL 5.500 tỷ đồng, tăng 14,58% so cùng kỳ năm 2018.
 
 
HỮU HUYNH - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu