An Giang: Trồng cam sành trên đất kém hiệu quả thu tiền tỷ mỗi năm
Những năm gần đây tại các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang, nhiều bà con nông dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là mô hình trồng cam sành trên đất phèn của anh Huỳnh Công Chánh, 48 tuổi, ở ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, được đánh giá là mô hình hiệu quả.
Cách đây hơn chục năm, vì cuộc sống khó khăn do đất ít, đất vườn lại canh tác nhiều năm nên hiệu quả kém, anh Huỳnh Công Chánh đã quyết định rời quê hương ở huyện Lai Vung, tỉnh đồng Tháp sang tận vùng đất phèn hoang hóa xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang để lập nghiệp.
Mặc dù diện tích đất ruộng ở đây lớn nhưng lại là vùng đất trũng, bị phèn nặng, do đó những năm đầu chỉ có thể canh tác được 2 vụ lúa, lợi nhuận thu được khoảng 40 triệu đồng/ha/năm. Những năm gặp thời tiết thất thường chi đủ vốn. Sau đó anh chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, thu nhập có khá hơn nhưng giá cả lại bấp bênh không ổn định.
Sau nhiều năm chật vật chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi bò nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, cuối năm 2014, anh Chánh mạnh dạn cải tạo toàn bộ phần đất ruộng của gia đình phát triển mô hình trồng cam sành và cũng từ đây gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn.
Ban đầu, anh Chánh chỉ chuyển đổi hơn 5.000m2 trồng cam sành, cây cam phát triển tốt và cho trái đều đẹp. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cam sành khi còn ở Lai Vung (Đồng Tháp), anh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, hiện nay diện tích trồng cam của gia đình anh là hơn 60.000m2 với gần 25.000 gốc, tất cả đã đang cho trái. Năng suất bình quân đạt 6 tấn trái/1.000m2/năm; Với giá bán trung bình từ 20.000- 25.000 đồng/kg cam sành nghịch vụ; ước một năm anh Chánh thu lãi khoảng 30 triệu đồng/1.000m2. Đây là mức thu nhập rất cao đối với hộ nhà vườn.
Theo anh Chánh, cây cam sành vốn được mệnh danh là “cây nhà giàu”, vì vốn đầu tư ban đầu để trồng cam sành khá lớn, đối với vùng đất nhiễm phèn thì lại càng lớn hơn. Để có vườn cam sành xanh tốt, trĩu quả như hôm nay, anh đã đầu tư khoảng 40 triệu đồng/1.000m2 đất cho việc lên liếp, rửa phèn, xử lý phèn trong đất, san lắp bờ bao, trang bị hệ thống bơm tưới tự động và cây giống...
Ngoài việc nổ lực của bản thân trong việc tự tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây cam sành, anh Chánh còn được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp An Giang hỗ trợ rất nhiều
Về cách rửa phèn, anh Chánh, chia sẻ: “Ban đầu giải phân lân, rải vôi để xử lý phèn; Khu vùng đất bị nhiễm phèn, nước trong ao ít nhiều cũng có độ PH cao, do đó mình cần xử lý trước khi bơm nước tưới cây. Sau khi đất được xử lí phèn, năng suất trồng cam ở khu vực này cao hơn nhiều so với những vùng khác, có thể nói như ở Đồng Tháp đạt 7 hoặc 8 thì ở đây đạt 9 -10. Đặc biệt là số lượng cam hao hụt ở đây cũng ít hơn, tính ra lãi xuất lời khoảng 30 triệu một công tương đương 1.000m2”
Cam sành là loại cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ phát triển mạnh ở vùng đất có nhiều phù sa; nhưng đối với vùng đất nhiễm phèn nặng ở huyện miền núi Tri Tôn, An Giang thì thật là khó. Bằng ý trí và tính chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Chánh là người đầu tiên “thuần hóa” cây cam sành trên đất nhiễm phèn.
Hiện nay, anh Chánh mở rộng trồng cây cam sành trên diện tích khoảng 60.000m2 và bình quân thu nhập khoảng 30 triệu đồng/1000m2
Ông Nguyễn Thành Kim, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, cho biết, anh Huỳnh Công Chánh là một nông dân chí thú làm ăn, biết lựa chọn cây trồng phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng cam sành của anh Chánh đã mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương; thời gian tới, cần được nghiên cứu, nhân rộng để giúp cho bà con nông dân trong xã định hướng phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững, nhất là với những diện tích đất sản xuất nằm ở khu vực xa, bị nhiễm phèn, ngập lụt…
Hiện tại, vườn cam của anh Chánh lúc nào cũng có 8 lao động địa phương để phụ giúp anh chăm sóc cam, với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, những lúc cao điểm có hơn 20 người làm việc tại vườn. Từ hiệu quả mang lại của vườn cam, một số hộ dân trong xã Tà Đảnh đã chủ động tìm đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng làm theo.
Với bà con nông dân ở huyện Tri Tôn cũng như những địa phương khác, để chuyển đổi theo mô mình trồng cam, trồng chuối hay những mô hình chăn nuôi theo tính qui mô, áp dụng tiến bộ khoa học còn gặp nhiều khó khăn, vì đòi hỏi chi phí ban đầu cao. Do đó, người dân rất mong các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để bà con đầu tư chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế cho địa phương.
Ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết, Tri Tôn có diện tích đất kém hiệu quả chiếm khá lớn, gây khó khăn cho bà con trồng trọt, chăn nuôi. Từ khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang có những chủ trương, quyết sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng trên vùng đất kém hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng theo tính qui mô mang lại hiệu quả cao. Hướng tới, UBND huyện tiếp tục tạo mọi điều kiện cho những hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao, trong đó tăng cường cán bộ kỹ thuật, hỗ trợ người dân theo dõi, điều trị dịch bệnh; hoàn thành hạ tầng giao thông để bà con nuôi trồng, sản xuất thuận lợi hơn.