Thứ tư, 20/11/2024,01:15 (GMT+7)
Áp thuế giá trị gia tăng 5% sẽ giúp giá phân bón ổn định và giảm
Theo các chuyên gia, áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) phân bón ở mức 5% sẽ giúp nông nghiệp, nông dân được hưởng lợi nhiều nhất bởi giá cả thị trường phân bón sẽ ổn định và giảm; đồng thời doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất cũng như hỗ trợ cho nông dân nhiều hơn...
 
Không có cơ sở cho rằng áp thuế sẽ làm giá phân bón tăng
Tại Tọa đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững” do Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes tổ chức mới đây, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV, hiện nhiều nội dung lớn dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đã được thông qua, nhưng vẫn còn lĩnh vực chưa được thống nhất, liên quan đến nhiều đối tượng, đó chính là thuế giá trị gia tăng phân bón.
 
Đây không chỉ câu chuyện thuần túy thuế học mà còn là vấn đề tình cảm, lý trí, không thể đưa ra quyết định trên chủ quan ý chí, cần bao quát rộng rãi trên các khía cạnh. Quan điểm này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện xuyên suốt trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến cho dự thảo Luật.
 
ông trịnh xuân an
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV: Tôi cho rằng không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón. Theo tôi, khi bàn về tác động của thuế GTGT 5%, nên có cái nhìn khách quan, khoa học
 
Ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước không bao giờ đưa ra chính sách gây ảnh hưởng đến người nông dân hay đất nước. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch để không ảnh hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nông dân”.
 
Đối với câu chuyện của ngành phân bón, nhìn lại thời điểm cách đây 10 năm, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, khi chuyển thuế GTGT phân bón từ 5% thành không áp thuế đã khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạch toán thuế vào chi phí, khiến tăng giá bán, không đáp ứng kỳ vọng Luật thuế đặt ra.
 
Do đó, Chính phủ đã đề nghị sửa đổi đưa phân bón trở về chịu thuế GTGT 5%. Về mặt cơ sở khoa học, ông An nhìn nhận đề xuất của Chính phủ là hợp lý. Phân tích tác động của chính sách thuế GTGT 5% với phân bón, đã có nhiều chuyên gia nói cụ thể về mối liên hệ tới doanh nghiệp, người nông dân và ngân sách của Nhà nước.
 
“Tôi cho rằng không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón. Theo tôi, khi bàn về tác động của thuế GTGT 5%, nên có cái nhìn khách quan, khoa học, không nên bảo thủ hay dùng những lời lẽ nặng nề như ‘không cần biết, cứ áp thuế GTGT 5% thì giá phân bón sẽ tăng, sẽ giết người nông dân’. Tôi cho rằng phải căn cứ trên cơ sở khoa học tính toán cụ thể, không nên vì suy nghĩ chủ quan, cảm tính để quyết định”, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An thẳng thắn bày tỏ.
 
ông định trọng thịnh
PGS TS Đinh Trọng Thịnh: Nên đánh thuế 5% trở lại như thời trước năm 2014. Đó là dựa trên tiền lệ lịch sử đánh thuế, tất nhiên trong tương lai, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi ở mức cao hơn hoặc thấp hơn tùy điều kiện, hoàn cảnh cho phù hợp” 
 
PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm, trước Luật Thuế 71, Nhà nước áp thuế với sản phẩm nông nghiệp, vật tư nông nghiệp ở mức 5% (mức thuế ưu đãi). Nhưng sau Luật Thuế 71, với mong muốn ưu đãi cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cho nông dân nên Nhà nước không đánh thuế GTGT đối với vật tư, thiết bị nông nghiệp nữa. Về mặt tư tưởng, rõ ràng nếu không đánh thuế thì giá sẽ giảm đi. Thế nhưng chỉ sau 1 năm, từ ngày 1/1/2015 khi Luật Thuế 71 có hiệu lực thì đến năm 2016 chúng tôi đã phát hiện ra vấn đề. Thực tế thì quy định này gây cản trở sản xuất của ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, bao gồm có sản xuất phân đạm và các vật tư thiết bị. Lý do là khi không có thuế GTGT, đồng nghĩa là phần GTGT đầu vào không được phép khấu trừ và như vậy toàn bộ phần thuế GTGT này sẽ phải tính vào giá thành sản xuất của doanh nghiệp và từ đó làm cho giá thành sản phẩm tăng lên chứ không giảm đi như mong muốn ban đầu.
 
Điều này không chỉ cản trở doanh nghiệp phân bón phát triển mà còn gây hại tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nông nghiệp và sản xuất thiết bị nông nghiệp trong nước. Nguyên nhân như sau, đối với các nguyên liệu vật tư thiết bị nông nghiệp nhập từ nước ngoài, khi được xuất khẩu khỏi đất nước họ thường được hoàn thuế GTGT đầu vào từ 10-15% và khi vào Việt Nam, chúng ta lại không đánh thuế GTGT nên họ có điều kiện bán giá thấp hơn để cạnh tranh với hàng nội địa. Tất nhiên họ sẽ không bán giá thấp vì họ cần dựa trên giá thị trường trong nước để bán sao cho thu được nhiều lợi nhuận và không bị kiện bán phá giá. Cho nên cơ bản là khi không áp thuế GTGT 5% thì chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu và nước xuất khẩu được hưởng lợi, còn người nông dân lại chịu thiệt.
 
Từ năm 2016, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức tọa đàm và cũng nghiên cứu để đề xuất thuế GTGT cho phù hợp. “Chúng tôi nhận thấy rằng nên đánh thuế 5% trở lại như thời trước năm 2014. Đó là dựa trên tiền lệ lịch sử đánh thuế, tất nhiên trong tương lai, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi ở mức cao hơn hoặc thấp hơn tùy điều kiện, hoàn cảnh cho phù hợp” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói.
 
Tăng cường giám sát giá cả
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, từ khi có Luật Thuế 71, toàn bộ thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp khi mua nguyên - nhiên liệu, đầu tư vật tư, thiết bị máy móc sản xuất phân bón (thường là mức thuế 10%) không được khấu trừ do không có thuế GTGT đầu ra. Do đó, phần thuế này đã được các doanh nghiệp phân vào chi phí sản xuất, rồi cộng với lợi nhuận doanh nghiệp để cấu thành giá thành sản phẩm ra thị trường.
 
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu phân bón vào Việt Nam thì khác, khi không có thuế GTGT 5%, họ hoàn toàn được lợi do khi xuất khẩu thì họ đã được hoàn thuế GTGT ở nước họ, khi nhập vào bán ở thị trường Việt Nam thì họ lại không phải chịu thuế GTGT. Thế nhưng lúc này, giá phân bón nhập khẩu vẫn được bán gần bằng với mặt bằng thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam đang bán.
 
Khi áp thuế GTGT 5%, về nguyên tắc, mọi người sẽ nghĩ rằng áp thuế thì gây tăng giá, nhưng thực tế không phải như vậy. Bởi khi áp thuế GTGT 5% thì phần thuế đầu vào của doanh nghiệp (thường là 10%) sẽ được khấu trừ. Lúc này, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm xuống và theo quy luật cạnh tranh thị trường thì khi đó doanh nghiệp có điều kiện để hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh nhất có thể.
 
Đồng thời, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) và Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cần tăng cường giám sát để các doanh nghiệp phân bón trong nước không tăng mà có thể giảm giá khi bắt đầu áp dụng Luật Thuế GTGT mới.
 
Còn đối với doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẽ phải giảm lợi nhuận chứ không thể cộng 5% vào giá bán vì mặt bằng giá lúc này đã ổn định hoặc sẽ giảm​ sau đó.
 
“Như vậy, sản phẩm trong nước được nâng cao vị thế cạnh tranh và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng với phân bón nước ngoài. Rõ ràng khi áp thuế GTGT 5%, nông nghiệp, nông dân được hưởng lợi vì giá cả bình ổn và chắc chắn sẽ giảm nếu xét trong cùng một điều kiện, thời điểm” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
 
Nguyệt Anh (congthuong.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu