Thứ bảy, 02/05/2020,07:34 (GMT+7)
Bạc Liêu nỗ lực “viết tiếp trang sử” mới
Vượt lên từ bao gian khó, phải khẳng định 45 năm qua, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực đạt nhiều thành tựu đáng trân trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện. Bộ mặt từ thành phố đến vùng ven biển, vùng căn cứ cách mạng nghèo khó năm xưa nay đã thật sự thay da đổi thịt, tạo sức sống mới…
Bạc Liêu nỗ lực “viết tiếp trang sử” mới
TP Bạc Liêu ngày một thay da đổi thịt. (Ảnh: THU ĐÔNG)
 
Những ngày tháng 4 lịch sử này, tôi trở lại một số xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng của tỉnh năm xưa, gặp nhiều cán bộ, nhân dân. Điều tôi nhận thấy rất rõ, cùng với sự phát triển chung của đất nước, Bạc Liêu hôm nay đã đạt nhiều thành tựu khá “ngoạn mục” và rất ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Từ trung tâm thành phố đến các xã vùng xa biển của tỉnh như “khoác trên mình chiếc áo mới”…
 
Trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân, Ủy viên Trung ươngĐảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương phấn khởi báo tin vui: Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng kiên cường, mấy chục năm qua, đặc biệt mấy năm trở lại đây, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu rất nỗ lực, đạt nhiều thành tựu mới và toàn diện trên các lĩnh vực, bằng chứng sinh động: Tốc độ tăng trưởng GRDP mấy năm qua bình quân mỗi năm đạt 10- 11%, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng “tốp khá” vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bình quân đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm tăng hơn bảy triệu đồng/người/năm so với năm 2019. Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục được cải thiện, nhiều dự án động lực được triển khai. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 27%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 705 triệu USD, tăng hơn 16% so cùng kỳ…
 
Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Đến nay, Bạc Liêu đã có ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, gần 45 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trước một năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%.
 
Đặc biệt, Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV đề ra. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Đáng chú ý, Chỉ thị số 12 của Tỉnh ủy Bạc Liêu “Về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên (CBĐV), công chức, viên chức (CCVC) và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh” đã thật sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rất thiết thực và rất to lớn…
Mô hình nuôi tôm thẻ công nghiệp đang phát triển mạnh tại vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh Trọng Duy)
 
Phát huy thành tựu đã đạt được, theo đồng chí Nguyễn Quang Dương, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, mấy năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ phát triển kinh tế, luôn xác định đây là nhiệm vụ “trọng tâm”. Từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành chín nghị quyết, ba chỉ thị và nhiều kết luận về phát triển kinh tế để trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện trên tất cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, theo hướng phát huy nội lực, thu hút đầu tư; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
 
Đặc biệt, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định “năm trụ cột phát triển”. Trong đó tỉnh rất chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo được xác định là trọng tâm. Đồng thời tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa Bạc Liêu trở thành thủ phủ tôm công nghiệp cả nước. Về lĩnh vực năng lượng, tập trung phát triển mạnh về điện gió, điện mặt trời và điện khí, từng bước đưa Bạc Liêu cùng các tỉnh trong khu vực bán đảo Cà Mau trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Về lĩnh vực du lịch, định hướng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng.
Tuyến đường huyết mạch đê biển, từ xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu đến xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đang được thi công, do Trung ương đầu tư hàng trăm tỷ đồng. (Ảnh: Trọng Duy)
 
Theo đó, hai trụ cột, đồng thời cũng là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mà không phải địa phương nào cũng có. Đó là trụ cột về phát triển nông nghiệp và phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), phát triển điện khí.
 
Đáng chú ý, về trụ cột thứ nhất của Bạc Liêu, đó là phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo: Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, như: cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo; nuôi tôm quảng canh cải tiến…
 
Trụ cột quan trọng thứ hai là phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và phát triển điện khí. Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có 24 dự án điện gió đăng ký với tổng số 4.449,8 MW, trong đó hai dự án đang vận hành, công suất 99,2MW; bốn dự án đã được phê duyệt, đang tổ chức triển khai thực hiện với công suất 292MW và 18 dự án đang bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 4.058 MW; ngoài ra, Nhà máy điện khí Hóa lỏng LNG, đã được Thủ tướng đồng ý đưa vào bổ sung Quy hoạch điện VII, công suất dự kiến 3.200MW, với tổng vốn đầu tư hơn bốn tỷ USD và dự kiến khởi công vào cuối năm 2020, đây là dự án được xác định mang tính động lực của tỉnh…
 
Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, những thành tựu có “ý nghĩa lịch sử” sau 45 năm miền nam hoàn toàn giải phỏng, ngày nay Đảng bộ và mỗi người dân nơi đây đang rất nỗ lực vươn lên, nhằm “viết tiếp trang sử mới”, đưa Bạc Liêu thật sự tạo bứt phá đi lên trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân.
 
TRỌNG DUY - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu