Thứ bảy, 19/12/2020,15:48 (GMT+7)
Bác sĩ hướng dẫn cách phòng tránh bệnh tật ở người cao tuổi
Một hoạt động hết sức ý nghĩa vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQVN, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình một số tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức. Đó chính là tọa đàm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, trách nhiệm và tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đồng thời thể hiện sự quan tâm, chăm sóc người cao tuổi phù hợp truyền thống, đạo lý dân tộc.
ThS.BS Mai Xuân Phương chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
 
Người cao tuổi ở An Giang lắng nghe chia sẻ về cách chăm sóc sức khỏe.
 
Tại buổi tọa đàm ở An Giang, ThS.BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa giá đình, Bộ Y tế) thông tin, nước ta đang trong quá trình già hóa dân số, với tốc độ già hóa đứng "tốp 10" nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng ở An Giang, hiện nay đã có trên 200.000 người cao tuổi, chiếm 11% trên tổng số dân toàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống y tế, bệnh viện lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Cùng với đó là đa số người cao tuổi ở nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn.
 
ThS.BS Mai Xuân Phương cho hay, trong số 76 bệnh hiểm nghèo, người cao tuổi thường mắc nhiều nhất là: bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, động kinh, tăng huyết áp, đột quỵ, tắc nghẽn mạch phổi, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ và trầm cảm. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày và sự hòa nhập xã hội của người cao tuổi.
 
Do vậy, người cao tuổi rất cần sự quan tâm, phụng dưỡng, chăm sóc hàng ngày của con cháu. Vì thế, điều cơ bản và rất quan trọng là người thân hoặc bản thân người cao tuổi phải có ý thức, cách thức phòng bệnh và nâng cao sức khỏe người cao tuổi. Một công thức chung để đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi đó là: đảm bảo giấc ngủ, ăn uống điều độ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế dùng rượu, bia và các chất kích thích, luyện tập thể thao thường xuyên và phù hợp, luôn giữ tinh thần thoải mái, đảm bảo ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh và cần khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm.
 
Với người bệnh huyết áp và các bệnh tim mạch khác, người bệnh cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của y, bác sĩ, uống thuốc đều đặn, đúng giờ và điều độ theo chỉ dẫn của y, bác sĩ, hạn chế ăn mỡ động vật, tránh căng thẳng trong công việc và cuộc sống, ăn uống điều độ, ăn nhạt, không nên vận động mạnh, theo dõi huyết áp hàng ngày, nếu thừa cân cần hỏi ý kiến bác sĩ.
 
ThS.BS Mai Xuân Phương lưu ý, để phòng tránh bệnh đột quỵ cần tránh tình trạng vừa ngủ thức dậy đã xuống giường ngay, vì sau một đêm ngủ máu chưa kịp lên não, tránh môi trường sốc nhiệt như từ phòng lạnh ra ngoài môi trường bên ngoài, lên xuống xe ôtô có máy lạnh, nghỉ trưa không quá 30 phút, tránh ngủ vùi sẽ gây rối loạn giấc ngủ người già vào ban đêm, người trên 60 tuổi đi ngủ trước 9 giờ tối, dậy sớm tập thể dục vào buổi sáng để cơ thể được linh hoạt… người cao tuổi cũng có thể tự kiểm tra nhanh nguy cơ đột quỵ bằng cách đứng hạt tấn, nghĩa là 2 tay dang ngang bằng vai, 1 chân co lên, chỉ đứng trên 1 chân trong 30 giây, nếu không thể đứng được cần đi kiểm tra sức khỏe như siêu âm mạch máu để phát hiện những bất thường bên trong của cơ thể.
 
Cùng với đó là mỗi người cần trang bị kiến thức, nhận biết những dấu hiệu của cơn tai biến, đột quỵ (vì các dấu hiệu trên giống với bệnh lý thông thường) như là tăng huyết áp nhanh, nói ngọng, nói lắp, nói nhảm, co giật, tránh di chuyển người bệnh nhanh, đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để tránh tử vong, tàn phế.
 
Người cao tuổi sức khỏe suy giảm, có khả năng mắc nhiều bệnh lý, bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý như: thường xuyên cáu gắt, khó tính, cảm giác cô đơn, dễ rơi vào cảm giác tủi thân, làm phiền đến con cháu. Do vậy, con cái, người thân chăm sóc cần kiên trì, chịu khó và cần hiểu được tâm lý của người cao tuổi. Bởi, nếu người cao tuổi được sống vui, sống khỏe và có ích sẽ hỗ trợ con cháu trong công việc gia đình, nuôi dạy trẻ, đóng góp tri thức, kinh nghiệm quý báu cho gia đình và xã hội.
 
Mặt khác, việc chăm sóc người cao tuổi còn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đền đáp công sinh thành, dưỡng nuôi, giáo dục con cháu của người cao tuổi, góp phần đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
 
Bài, ảnh: NGỌC GIANG - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu