Thứ tư, 20/07/2022,15:14 (GMT+7)
Bản gốc bài thơ “Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo” được trao tặng cho Bảo tàng Côn Đảo
Bản gốc bài thơ "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" của nhà thơ Phùng Quán, in trên báo Tiền Phong năm 1955, vừa được nhà thơ Lê Minh Quốc trao tặng cho Bảo tàng Côn Đảo.
 
Bài thơ "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" được đăng trên Báo Tiền phong số 63 ngày 19-8-1955 và đã đoạt giải nhất Cuộc thi văn nghệ hưởng ứng Đại hội liên hoan do Ban Trù bị của Đại hội liên hoan thế giới của Việt Nam tổ chức.
 
Năm 2007, cùng với hai tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" và "Vượt Côn Đảo", "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
 
Trong dịp công tác tại Côn Đảo nhân sự kiện kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), đoàn công tác TP HCM đã trao tặng hiện vật bản gốc bài thơ "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" của nhà thơ Phùng Quán cho Bảo tàng Côn Đảo. Bản gốc bài thơ được nhà thơ Lê Minh Quốc sưu tầm và lưu giữ hơn 30 năm, nhiều lần được một số nhà sưu tầm khác hỏi mua và đấu giá nhưng anh không có ý định bán lại.
 
Bà Đinh Thanh Thủy - Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM với vai trò là cầu nối, đã tiếp nhận hiện vật và liên lạc với Bảo tàng Côn Đảo để gửi bài thơ về với nơi tưởng niệm chị Võ Thị Sáu.
 
Bản gốc bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo được trao tặng cho Bảo tàng Côn Đảo - Ảnh 1.
Bản gốc bài thơ được nhà thơ Lê Minh Quốc sưu tầm và lưu giữ hơn 30 năm
 
"Đây là bài thơ dài nhất về cuộc đời chị Võ Thị Sáu. Tuy là một tác phẩm hay, cực kỳ có giá trị nhưng trước nay chưa được nhắc đến nhiều trong di sản thơ ca của Phùng Quán. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ lưu giữ hiện vật này ở bộ sưu tập cá nhân thì thật thiếu sót nên đã đi đến quyết định tặng cho Bảo tàng Côn Đảo" - Nhà thơ Lê Minh Quốc thông tin thêm.
 
Hình ảnh chị Sáu hái hoa cài lên tóc trước khi ra pháp trường đã để lại dấu ấn sâu đậm cho nhà thơ Lê Minh Quốc. "Tôi không biết sử sách ghi chép ra sao nhưng đó là hình tượng thi ca biểu trưng cho cái đẹp và tâm hồn tinh khiết của chị Sáu." - nhà thơ bày tỏ tâm huyết.
 
"Trên đường vào đảo hôm qua
Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven rừng
Cài lên mái tóc rối tung,
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê.
Bọn lính giặc như mê.
 
Trợn mắt nhìn cô gái,
Sắp chết mặt vẫn tươi roi rói,
Môi không tắt nụ cười:
- Trên cành chim hót chim ơi,
Ta làm cách mạng ta vui đến cùng,
Ngày mai chim đến mà ăn
Nhà tù Côn Đảo thành đồng lúa thơm."
 
"Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo" là bài thơ có gần 300 câu thể thơ tự do, viết về chị Võ Thị Sáu từ khi đi theo Cách mạng lúc năm 14 tuổi rồi bị bắt, tra tấn bằng nhục hình. Bản trường ca về người nữ anh hùng liệt sĩ can trường, bất khuất đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các thi phẩm về chị Võ Thị Sáu sau này.
 
Bản gốc bài thơ Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo được trao tặng cho Bảo tàng Côn Đảo - Ảnh 2.
Hiện vật được trao tặng cho Bảo tàng Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn

 

Phùng Quán (1932-1995) là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" (sáng tác năm 1988). Ông bắt đầu sáng tác trong khoảng thời gian của cuộc chiến tranh Đông Dương và khẳng định tài năng với "Vượt Côn Đảo" - tác phẩm giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955.

 
Phung-quan2

Nhà thơ Phùng Quán

Ông từng tham gia và phong trào Nhân văn - Giai phẩm bằng hai bài thơ "Lời mẹ dặn" và "Chống tham ô lãng phí" (1957). Phong trào chấm dứt, ông ra khỏi quân đội và không còn là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán được biết đến nhiều hơn, ngoài văn xuôi, ông sáng tác một số bài thơ nổi tiếng như: "Hoa sen", "Hôn", "Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe"...Năm 2007 , Phùng Quán được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng cùng với Trần Dần, Lê Đạt và Hoàng Cầm.

 

Hà Giang (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu