Thứ ba, 20/04/2021,07:14 (GMT+7)
Băn khoăn nguồn nhân lực y tế ĐBSCL
Tại hội nghị đào tạo nhân lực ngành Y tế ĐBSCL mở rộng do Trường Đại học Y Dược (ĐHYD) Cần Thơ tổ chức mới đây, câu chuyện nguồn lực của lĩnh vực quan trọng này lại một lần nữa được khơi gợi, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho các tỉnh, thành ĐBSCL.
Sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ thực hành tại Bệnh viện trường.
Sinh viên Trường ĐHYD Cần Thơ thực hành tại Bệnh viện trường.
 
Theo báo cáo của Trường ĐHYD Cần Thơ, việc đào tạo nhân lực ngành Y tế giai đoạn 2008-2020 của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đạt hiệu quả đáng kể, góp phần nâng tỷ lệ bác sĩ (BS), dược sĩ (DS)/vạn dân. Năm 2008, cả vùng có 4,81 BS/vạn dân và 0,21 DS/vạn dân; đến năm 2020 đạt 9,52 BS và 2,16 DS/vạn dân. Trong đó, Cần Thơ có tỷ lệ cao nhất: 15,85 BS và 4,09 DS/vạn dân. Theo kế hoạch đào tạo nhân lực giai đoạn 2020-2030, dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ này của vùng lần lượt là 11,75 và 2,24.
 
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Viết An, Trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường ĐHYD Cần Thơ, thông tin: “Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 của trường là 1.920 sinh viên, trong đó có 320 chỉ tiêu của hệ liên thông chính quy. Trường mở 2 ngành mới trình độ đại học là Hộ sinh và Kỹ thuật hình ảnh y học. Trường vẫn duy trì hai hình thức tuyển sinh đại trà và theo địa chỉ sử dụng - hay còn gọi là đào tạo “đặt hàng”, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực Y tế, đặc biệt lĩnh vực Y khoa phục vụ chuyên ngành hiếm”. Theo PGS.TS Trần Viết An, điểm mới năm nay là để được xét tuyển vào Y khoa chuyên ngành hiếm, thí sinh phải có đăng ký nguyện vọng vào ngành này, UBND tỉnh, thành có hợp đồng cử đi đào tạo và đồng thời thí sinh phải đủ điều kiện trúng tuyển theo quy định. Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển bất cứ ngành nào của trường sẽ không được xét tuyển diện đào tạo theo hình thức “đặt hàng”.
 
Nhiều đại biểu đồng tình việc Trường ĐHYD Cần Thơ tiếp tục duy trì hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng, vì nhu cầu nguồn nhân lực ngành Y tế cao, đặc biệt trong bối cảnh cơ sở y tế tư nhân mở rộng. Để nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng đào tạo, trường cần có giải pháp căn cơ. BS.CKII Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, nêu quan điểm: “Tôi đồng tình với quy định nếu đậu bất kỳ ngành nào của trường, người học không được xét vào đào tạo theo địa chỉ sử dụng để thí sinh cân nhắc kỹ. Việc tỉnh, thành có hợp đồng với trường là phù hợp, bởi mỗi tỉnh có sự hỗ trợ khác nhau, nhằm tạo sự công bằng, công khai minh bạch”.
 
Theo BS Bùi Minh Thắng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, tỉnh mong muốn trường tiếp tục thực hiện và tăng số lượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng; để có đủ lực lượng phục vụ, đặc biệt ở cơ sở. BS Thắng đề nghị: “Trường ĐHYD Cần Thơ tiếp tục đi đến các địa phương để nắm rõ nhu cầu nhân lực ngành Y tế; hoặc trao đổi với các tỉnh, thành để biết được nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, từ đó có kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”. BS Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, cho rằng: “Hiện tỷ lệ BS/vạn dân vẫn còn thấp, nên trường cần nâng chỉ tiêu các ngành theo địa chỉ sử dụng; nhất là ngành Y khoa phục vụ ngành hiếm. Quan trọng là chế độ chính sách của tỉnh đối với người học để tránh ảnh hưởng tâm lý của sinh viên trong quá trình theo học”.
 
BS.CKII Bùi Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, chia sẻ: “Tỉnh Long An hiện có 8 BS/vạn dân, vẫn còn khó khăn về nhân lực ngành Y tế; nên cũng cần nguồn cán bộ đào tạo theo địa chỉ sử dụng”. Đồng tình quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Minh Tùng cho rằng, thời gian qua nếu không có chính sách đào tạo theo địa chỉ sử dụng, Bạc Liêu không thể có nguồn nhân lực Y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, khám điều trị bệnh cho người dân. “Với tỷ lệ 10 BS/vạn dân hiện nay, Bạc Liêu vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Sắp tới Bạc Liêu lại có thêm 2 bệnh viện nữa đi vào hoạt động”, BS Tùng cho biết thêm.
 
Một vấn đề cũng khiến nhiều lãnh đạo ngành Y tế các tỉnh, thành băn khoăn là tình trạng thiếu nguồn tuyển đủ tiêu chuẩn đi học. Lại thêm trong bối cảnh địa phương thiếu nguồn cán bộ ngành Y tế trình độ cao làm việc, mà việc giữ chân người được đào tạo sau thời gian phục vụ theo thỏa thuận, để làm việc lâu dài lại càng khó hơn. Chính vì vậy, tại TP Cần Thơ, trước năm 2018 ngân sách hỗ trợ cho người học trung bình khoảng 120-150 triệu đồng/6 năm học. Từ năm 2018, người học đóng 50% và ngân sách 50%; năm 2019 ngân sách không hỗ trợ người học. Theo DS.CKII Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, thực tế có sinh viên được hỗ trợ, học xong và được phân công nhưng nghỉ việc. Năm nay, Cần Thơ cũng đề nghị cắt bớt chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng, nhất là một số ngành cung vượt cầu như DS, BS răng hàm mặt... 
 
Hội nghị cũng thống nhất bên cạnh hỗ trợ chính sách cho người học, thu hút nhân tài, tạo sự cân bằng trong các chuyên ngành đào tạo..., ngành Y tế các địa phương cũng cần tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp để đội ngũ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và gắn bó lâu dài.
 
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu