Thức ăn đường phố là lựa chọn của nhiều người vì tiện lợi và giá rẻ. Thế nhưng, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm vệ sinh, ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng vì nguồn nguyên liệu chế biến, điều kiện bảo quản thức ăn không bảo đảm. Nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (NTD), ngành Y tế tỉnh triển khai nhiều mô hình điểm về bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù bàn ghế chỉ kê tạm trên các khoảng đất trống nhưng lượng khách đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực Chợ đêm Tân An (TP.Tân An, tỉnh Long An) khá đông. Anh N.V.T chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi bán lẩu và các món ăn nhẹ vào mỗi buổi tối. Tôi chú trọng sát khuẩn tay khi chế biến và che chắn bụi. Nguồn nước chế biến là nước lọc để uống. Nhằm bảo đảm sức khỏe cho NTD, tôi chọn mua nguyên liệu ở những nơi có uy tín để chế biến thức ăn”.
Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cần chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định
Bên cạnh những hộ kinh doanh chú trọng chọn nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng thì cũng không ít người chưa tự giác chấp hành quy định về ATTP nên tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm ATTP. Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, toàn tỉnh có 1.582 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Những cơ sở này tập trung ở khu đông dân cư, khu công nghiệp trên địa bàn TP.Tân An, các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh - Đoàn Thanh Chiến cho biết: “Thời gian qua, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Chúng tôi xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố trên toàn tỉnh. Năm 2020, tỉnh chọn 6 huyện, thị xã, thành phố làm mô hình thức ăn đường phố để triển khai gồm: Tân An, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và Kiến Tường”.
Mô hình nhằm từng bước quản lý thức ăn đường phố theo quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP trong kinh doanh, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe NTD. Mô hình tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Chị Nguyễn Thanh Thủy (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Chọn những quán ăn sạch sẽ, thoáng mát, thức ăn hợp vệ sinh là tiêu chí của gia đình tôi cũng như nhiều người. Nếu cơ quan chức năng xây dựng mô hình bảo đảm ATTP đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố thì giúp NTD an tâm hơn khi chọn bữa ăn sáng được bày bán trên các tuyến đường”.
Để bảo đảm ATTP thức ăn đường phố, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATVSTP, hướng dẫn điều kiện chế biến, bảo quản thức ăn đường phố. UBND cấp xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm về ATTP.
An toàn thực phẩm từ các suất ăn sẵn
Hiện nay, nhu cầu sử dụng suất ăn chế biến sẵn tăng cao. Vì thế, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ra đời ngày càng nhiều. Để bảo đảm ATTP, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp suất ăn sẵn; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.
Thông qua công tác thanh, kiểm tra, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP từng bước được nâng cao. Chủ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn Thái Ngọc Quỳnh (phường 6, TP.Tân An) - Trần Thị Ngọc Thảo cho biết: Mỗi ngày, cơ sở cung cấp khoảng 250 suất ăn sẵn cho công nhân, lao động. Hàng năm, cơ sở có kế hoạch và phương án phối hợp các đơn vị nhận suất ăn thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát ATTP trong suốt quá trình tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến và bảo quản thức ăn. “Để bảo đảm sức khỏe cho công nhân, lao động, chúng tôi chọn nguồn nguyên liệu đầu vào tại nơi có uy tín. Nhân viên chế biến luôn chú trọng vệ sinh cá nhân và được khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Việc sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và mặc đồng phục bảo hộ lao động được thực hiện trong suốt quá trình chế biến. Các trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm cũng được chú trọng vệ sinh sạch sẽ” - bà Thảo cho biết thêm.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung cấp suất ăn sẵn
Tuy nhiên, nguy cơ không bảo đảm ATTP, đặc biệt là bếp ăn tập thể tại các khu, cụm công nghiệp, trường học còn tiềm ẩn. Một số cơ sở còn xảy ra tình trạng thực hiện lưu mẫu thức ăn không đúng quy định; khu vực sơ chế và chế biến chưa tách biệt nhau; quy trình chế biến không đúng quy định bảo đảm nguyên tắc 1 chiều; quy trình phân chia thức ăn chưa đúng theo quy định; sàn nhà khu vực chế biến thức ăn còn đọng nước; khu vực ăn uống không được ngăn cách với môi trường bên ngoài, không có trang thiết bị phòng, chống côn trùng, động vật gây hại và bố trí gần khu vực nhà vệ sinh;...
Ông Đoàn Thanh Chiến thông tin: “Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh tiếp tục tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Các cơ sở cung cấp suất ăn cần chú trọng cung cấp thức ăn bảo đảm an toàn. Nhân viên chế biến thức ăn thường xuyên trang bị bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân, bảo đảm sức khỏe,… theo đúng quy định”.
Bảo đảm ATTP thức ăn đường phố, tại các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn là rất quan trọng. Vì vậy, cần sự tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp cùng các ngành chức năng trong việc quản lý, giám sát cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và thức ăn đường phố nhằm phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như bảo đảm sức khỏe cho NTD./.
Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04-9-2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, có những quy định cụ thể mức phạt khi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật; người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố; sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội nón, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng, không được che kín; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.
|
Ngọc Mận - (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)