Thứ tư, 11/11/2020,07:38 (GMT+7)
Bảo hiểm xã hội các địa phương tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) các tỉnh, thành phố đã nỗ lực thực hiện các giải pháp thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, bên cạnh nhiều địa phương đạt và vượt chỉ tiêu phát triển, nhiều địa phương có tỷ lệ chỉ tiêu phát triển đối tượng do BHXH Việt Nam giao còn thấp, số tiền nợ cao.
BHXH Việt Nam làm việc với 15 tỉnh về công tác thu, phát triển đối tượng BHXH, BHYT. Ảnh: MINH HÙNG
 
Khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2020 cho ngành, BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với BHXH 15 tỉnh, thành phố về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đây là những địa phương có tỷ trọng lớn về đối tượng, số thu và có số nợ cao hơn mặt bằng chung cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình...
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo BHXH 15 tỉnh, thành phố đã báo cáo nhanh về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn và thực tế hầu hết các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu. Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phạm Văn Mến cho biết, dù cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp, song số đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn giảm. Để hoàn thành kế hoạch được giao, trong hai tháng 11 và 12-2020, BHXH thành phố Hồ Chí Minh còn phải phát triển 349.206 người tham gia BHXH bắt buộc; 35.651 người tham gia BHXH tự nguyện. BHXH thành phố đã tích cực triển khai rà soát, đối chiếu dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để xác định số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trực tiếp đến đơn vị khai thác đối tượng. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho viên chức hằng ngày, hằng tuần bám sát đơn vị sử dụng lao động, cơ quan tài chính, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời; nhất là đôn đốc ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng, BHXH tự nguyện... Tại Hải Phòng, cơ quan BHXH còn phải phát triển hơn 36 nghìn lao động tham gia BHXH bắt buộc, 10.402 người tham gia BHXH tự nguyện; 44 nghìn người tham gia BHYT và còn phải thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp 2.426 tỷ đồng mới đạt kế hoạch giao. Tuy nhiên, do đặc thù các doanh nghiệp Hải Phòng chủ yếu là doanh nghiệp đóng tàu, may mặc cho nên bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Số lao động giảm nhiều, trong 10 tháng đã giảm 38 nghìn người và so với số tăng lại thì vẫn còn giảm khoảng 7.000 lao động. Bên cạnh đó, số nợ tại Hải Phòng cao, chiếm 6,9% số phải thu (748 tỷ đồng), cao hơn số nợ bình quân chung toàn quốc là 5,5%. Trong đó, có tới 143 tỷ đồng tiền nợ của các doanh nghiệp Vinashin được Chính phủ khoanh nợ và đã hết hạn từ năm 2017 nhưng đến nay chưa trả được, số nợ hiện đã tăng lên 317 tỷ đồng; 153 tỷ đồng tiền nợ của các doanh nghiệp phá sản, giải thể…
 
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến số đối tượng, số thu và nợ tại các địa phương chưa đạt kế hoạch, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền trung vừa qua, một số BHXH tỉnh chưa thật sự nỗ lực, còn thụ động, chưa bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Chưa quyết liệt rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để khai thác, phát triển đối tượng; chưa tích cực tổ chức hội nghị khách hàng để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, chưa giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho các đại lý thu trên địa bàn; chưa quyết liệt thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ ba tháng trở lên...
 
Xác định rõ mục tiêu, để “tăng tốc”
 
Tại buổi làm việc với BHXH 15 tỉnh, thành phố, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, từ nay đến hết năm 2020, BHXH các địa phương cần tập trung phát triển chỉ tiêu về đối tượng tham gia, số thu cũng như giảm số nợ; đồng thời, có những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, các địa phương cũng cần đánh giá lại quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ba chỉ tiêu phát triển người tham gia (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và BHYT). Ngành BHXH Việt Nam đã có những giải pháp cụ thể, nhưng vẫn có địa phương làm tốt, và có những địa phương làm chưa tốt. Cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để chỉ ra đâu là những vấn đề cần sự hỗ trợ của ngành và đâu cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. 
 
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhận định, còn nhiều khó khăn trong hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành năm 2020. Để khắc phục hạn chế, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung, quyết liệt thực hiện năm nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, phải bám sát, thực hiện nghiêm và triển khai cụ thể hóa các chỉ đạo của ngành, địa phương thông qua các kết luận, các văn bản hướng dẫn; bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020 - đây là mục tiêu, là đích để phấn đấu. Các địa phương phải rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp, rà soát dư địa người chưa tham gia BHXH, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các đối tượng tiềm năng, có thu nhập để tuyên truyền, vận động tham gia bằng nhiều hình thức phù hợp. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp nợ từ ba tháng trở lên, đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động. Kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời đổi mới công tác truyền thông về BHXH, BHYT theo hướng linh hoạt, tập trung truyền thông “đúng - trúng” đối tượng; chú trọng truyền thông ở cấp cơ sở; mở rộng, tăng cường phối hợp với các hệ thống đại lý thu.
 
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10, số người tham gia BHXH là 15,67 triệu người, chiếm khoảng 31,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, BHXH bắt buộc là 14,78 triệu người, tăng 114,5 nghìn người so tháng 9, giảm 102 nghìn người so cùng kỳ năm 2019, giảm 418.900 người so cuối năm 2019 (số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 1,26 triệu người). BHXH tự nguyện là 890.300 người, tăng 354.900 người so cùng kỳ năm 2019, tăng 316.400 người so cuối năm 2019 (số người còn phải phát triển đến cuối năm để đạt kế hoạch giao là 309.900 người). Số người tham gia BHYT là 86,24 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 89,1% dân số tham gia BHYT; tăng 622.500 người so cùng kỳ năm 2019.
 
MINH HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu