Thứ ba, 05/12/2023,18:11 (GMT+7)
Bảo tồn “vương quốc đỏ”
Nhắc đến Vĩnh Long, nhiều người nghĩ ngay đến những làng nghề nung gạch, gốm nổi tiếng một thời ở miền sông nước Cửu Long. Đây là địa phương có số hộ gia đình theo nghề gạch, gốm đỏ rất nhiều
 
Đến xã Mỹ Phước và xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít) vào những ngày này, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những lò gạch, gốm hàng trăm năm tuổi nằm san sát nhau, nhìn xa trông như các tòa tháp tuyệt đẹp, thơ mộng mà hiếm nơi nào có được.
 
Một thời hoàng kim
Cách TP Vĩnh Long chừng 5 km, chúng tôi đi dọc theo sông Cổ Chiên rồi len lỏi vào các con rạch là tới làng gạch, gốm truyền thống lớn nhất vùng ĐBSCL một thời, được người dân quen gọi là "vương quốc đỏ". Theo thời gian, làng nghề này đã hoạt động thưa dần, dẫn đến các lò lâu năm bị bụi bám, phủ đầy rêu phong và cỏ mọc um tùm xung quanh. Tuy đã cũ, nhưng dường như nó là một "kho báu", lộ thiên giàu giá trị cần được gìn giữ để trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo đà phát triển cho địa phương ở đây và góp phần bảo tồn những giá trị độc đáo mà các thế hệ đi trước đã để lại.
 
Bảo tồn "vương quốc đỏ"- Ảnh 1.
Nhiều lò gạch, gốm ở Vĩnh Long nằm dọc 2 bên bờ sông, có tuổi đời hàng trăm năm
 
Ngắm nhìn 2 lò gạch truyền thống đã cũ đang nung những sản phẩm gạch, gốm đỏ rực lửa trong cái lạnh của những ngày chớm lạnh, chúng tôi cảm thấy ấm lại. Tiếp chúng tôi, ông Hồ Văn Minh (70 tuổi; ngụ xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) - chủ một lò gạch, gốm lâu năm nơi này - cho biết làng nghề nung gạch, gốm thời hoàng kim có hơn 3.000 lò, cung cấp ra thị trường nhiều mẫu mã đẹp và chất lượng, được người dùng rất ưa chuộng. Thậm chí, sản phẩm của làng nghề còn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng mười mấy năm nay, làng nghề bắt đầu có xu hướng hoạt động chậm lại do nhiều lý do khác nhau, từ đó số gia đình duy trì lò nung ngày càng ít lại, hiện chỉ còn khoảng hơn 600 cơ sở" - ông Minh kể lại.
 
Bảo tồn "vương quốc đỏ"- Ảnh 2.
Sắc đỏ của những lò gạch, gốm được nhiều người gọi là “vương quốc đỏ”
 
Làm nghề gạch, gốm trước đây cũng lắm công phu. Ban đầu, sản phẩm của các lò chủ yếu là gạch và ngói để xây dựng nhà. Khoảng năm 1981 trở đi, nhiều chủ lò bắt đầu tạo nhiều sản phẩm chất lượng hơn nhờ việc nâng cao nhiệt độ nung. Từ đó, các sản phẩm bình dân như chum, vại, gạch, ngói đến bát, đĩa, chén… được nhiều người đón nhận. Hiện nay, những mặt hàng này ít người mua nên chính quyền địa phương động viên giữ lại lò nung để phát triển theo hướng bảo tồn giá trị của làng nghề, trong đó "biến" các lò nung gạch, gốm còn lại thành địa điểm du lịch. Do đó, người dân ở đây cảm thấy rất phấn khởi.
 
Chuyển từ làm công sang làm chủ
Theo bà Lê Diệp Tuyền (ngụ xã Mỹ Phước), gia đình bà có 5 lò gạch truyền thống nhưng đã ngưng sử dụng và có ý định tháo dỡ để xây lò kiểu mới. Tuy nhiên, từ khi nghe chính quyền địa phương tuyên truyền về ý nghĩa của việc bảo tồn "vương quốc đỏ", gia đình bà đã đồng ý giữ lại vì thấy nó còn rất đẹp theo kiểu xưa. "Tôi mong chính quyền sớm triển khai việc bảo tồn lò gạch nung và phát triển du lịch, vì lò nung để lâu ngày sẽ dễ hư hỏng" - bà Tuyền hy vọng.
 
Bảo tồn "vương quốc đỏ"- Ảnh 3.
Ở Vĩnh Long hiện còn rất ít lò gạch, gốm đang hoạt động
 
Về phía địa phương, bà Trần Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, nhận định rằng những năm gần đây, do tình hình giá nguyên liệu tăng cao và việc tiêu thụ gạch, gốm gặp nhiều khó khăn nên số lượng lò nung gạch truyền thống giảm rõ rệt. "Mới đây, tỉnh có đề án bảo tồn làng nghề để phát triển du lịch nên được nhân dân đồng thuận cao. Tuy nhiên, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân để họ cam kết không dỡ bỏ lò nung. Tôi kỳ vọng chủ trương này sớm được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ở làng nghề gốm đỏ" - bà Ánh kiến nghị.
 
Để bảo tồn và phát triển "vương quốc đỏ" Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại mang tầm quốc tế, đồng thời là một điểm đến trên bản đồ du lịch, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội tại địa phương và của quốc gia, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương, vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học đóng góp ý tưởng tổ chức hoạt động, triển khai Đề án "Di sản đương đại Mang Thít".
Bảo tồn "vương quốc đỏ"- Ảnh 4.
Chính quyền địa phương động viên người dân giữ lại lò nung để phát triển theo hướng bảo tồn giá trị của làng nghề
 
Tại đây, các chuyên gia cho rằng đề án có tính khả thi cao, tỉnh Vĩnh Long cần nỗ lực thay đổi trên nhiều khía cạnh từ tư duy, thái độ tới hành động của chính các tác nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi, như: Tư duy, chính sách từ phá bỏ để phát triển sang bảo tồn, phục hồi và chuyển đổi để phát triển; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ đơn ngành sang đa ngành; thái độ, tinh thần của người dân địa phương từ vị thế "làm công" sang "làm chủ" trên chính mảnh đất, gia tài cha ông để lại…
 
Có như thế mới đưa khu di sản đương đại thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, của quốc gia, quốc tế; có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ĐBSCL nói chung. 
 
Điểm đến hấp dẫn
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết vừa qua tỉnh đã phê duyệt Đề án "Di sản đương đại Mang Thít". Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.600 ha thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh của huyện Mang Thít được bảo tồn lò gạch gốm.
 
Đây là dịp để tìm ra những ý kiến, giải pháp hữu hiệu xác định trọng tâm và cách thức triển khai chính sách hỗ trợ, bảo tồn, quản lý lò gạch và hình thái không gian của quần thể di sản. Từ đó, đưa "vương quốc đỏ" Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại độc đáo có tầm quốc tế, điểm đến hấp dẫn với chất lượng hàng đầu ở cả 3 khía cạnh (điểm tham quan - trải nghiệm, ăn nghỉ và lữ hành). Đề án này sẽ tạo sự kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn và các địa phương lân cận; tạo việc làm và thu nhập cao, bền vững cho người dân địa phương; đồng thời thu hút, định hướng đầu tư vào việc chuyển đổi khu vực di sản.
 
Bài và ảnh: QUANG TRƯỜNG (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu