Thứ năm, 13/10/2022,08:02 (GMT+7)
Bảo vệ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số: Nhức nhối và thách thức
Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt sáng tạo nội dung số. Tuy nhiên, họ đang gặp phải thách thức lớn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
 
Vi phạm bản quyền: “Bài toán” nhức nhối
Tại toạ đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”, do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức ngày 28/9, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh trên môi trường mạng như Sconnect, Ant Media, Thủ đô Multimedia, Viettel Media… đã nêu những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị gặp phải.
 
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp trên môi trường số: Thách thức lớn
Toạ đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số”
 
Ông Tạ Mạnh Hoàng - Tổng giám đốc kiêm Nhà sáng lập Sconnect nêu ví dụ cụ thể về trường hợp của Sconnect bị một công ty có trụ sở tại London, Anh có tên là Entertainment One UK Limited (EO) đã phát tán thông tin sai lệch, lợi dụng chính sách chưa chặt chẽ, chưa nghiêm ngặt của YouTube để “chơi xấu” doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại nặng nề.
 
Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, dù đã có hành lang pháp lý nhưng thực tế trên môi trường Internet, rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Nói cách khác, chúng ta còn thiếu các công cụ hữu hiệu để chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.
 
Ông Võ Thanh Hải, Tổng giám đốc Viettel Media cho rằng, vấn đề vi phạm bản quyền tại Việt Nam là một “bài toán” tương đối nhức nhối từ trước đến nay. Việc chặn domain, website lậu chưa có cơ chế thật chặt chẽ và nhanh chóng, để thực thi hiệu quả. Trang web này đóng, nội dung sẽ được đưa lên trang khác.
 
Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới, startup, nguồn lực, kinh phí thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế. “Do đó, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng đối với cộng đồng sáng tạo - một cộng đồng mong manh, thiếu nguồn lực” - ông Võ Thanh Hải nói.
 
Ông Lương Văn Cương, đại diện Ant Group - công ty vận hành 500 kênh trên YouTube và các nền tảng khác cho hay, Ant Group chuyên sản xuất âm nhạc. Trong quá trình kinh doanh online, có nội dung về âm nhạc do chúng tôi sản xuất, sau đó bị một đơn vị khác lấy bản quyền và đăng ký, khiến chúng tôi không thể sản xuất nội dung về bài hát đó.
 
“Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề” - ông Lương Văn Cương nêu, đồng thời mong muốn cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ vấn đề giấy phép và pháp lý.
 
Cơ quan quản lý nói gì?
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải có ý thức tự bảo vệ mình, có sự đầu tư, có nhân sự chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Làm mọi biện pháp đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước và tại thị trường mà mình nhắm tới.
 
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp trên môi trường số: Thách thức lớn
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại tọa đàm
 
Khi xảy ra các câu chuyện tranh chấp, doanh nghiệp nên phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các luật sư để xử lý vấn đề, đồng thời báo cáo cho các cơ quan chức năng để có những hỗ trợ kịp thời.
 
Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.
 
Trong môi trường số chủ yếu là đăng ký quyền tác giả và việc này hiện đơn giản, chỉ mất khoảng 15 ngày. Hiện nay, các doanh nghiệp có thể tra cứu các nhãn hiệu đã đăng ký tại cả Việt Nam hay các thị trường nước ngoài, tất cả đều miễn phí.
 
Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức nhất là doanh nghiệp. Điều này cho thấy các cơ quan quản lý hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng lại không được doanh nghiệp quan tâm. “Sự quan tâm, nhận thức vể quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp cần thay đổi căn bản nếu không sẽ không giải quyết được các vụ việc” - ông Trần Lê Hồng nói.
 
Ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn đúng thì việc giải quyết vụ việc là không thể có, do đó các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp. Các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về sở hữu trí tuệ nên các doanh nghiệp cần phải chung tay.
 
Trước các đề xuất của doanh nghiệp như can thiệp với các nền tảng; đảm bảo quyền của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài…, ông Hồng cho rằng, cần đánh giá thực tế vấn đề trong bối cảnh xem có hợp lý không. Đây là tài sản của chúng ta thì các biện pháp bảo vệ phải chuyên nghiệp và đúng.
 
Quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ bởi nó sáng tạo ở Việt Nam thì chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành. Do đó, chúng ta cần khẳng định quyền của mình đầu tiên.
 
Doanh nghiệp cũng cần để ý đến việc trùng lặp ý tưởng bởi sở hữu trí tuệ là vấn đề vô cùng phức tạp. Việc đầu tư đội ngũ cán bộ của các doanh nghiệp Việt Nam gần như không có. Vấn đề sở hữu trí tuệ không chỉ thuê dịch vụ là xong mà cần có nhận thức đúng và có đầu tư đội ngũ làm sở hữu trí tuệ để có cách tiếp cận phù hợp.
 
Nhãn hiệu là 1 trong những đối tượng bị xâm phạm nhiều trên Internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc xây kinh doanh và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.
 
"Các doanh nghiệp startup có nguồn lực hạn chế nhưng nếu không tính đến các yếu tố cạnh tranh nhất là về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu thì chỉ cần một vụ việc về pháp lý, chúng ta sẽ mất hoàn toàn khả năng hoạt động" - ông Trần Lê Hồng cho biết.
 
Ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý và Hợp quốc tế quyền tác giả, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp nên bảo vệ quyền tác giả trước khi thực hiện các việc khác, thậm chí bảo vệ quyền của mình ngay từ ý tưởng.
 
Đại diện Cục Bản quyền tác giả cũng cho hay, vừa qua, chúng ta đã hoàn thành Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để luật hoá một loạt công ước quốc tế. Khi bước ra sân chơi quốc tế thì phải tuân thủ và thực hiện các cam kết quốc tế để đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trên trường quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ giải quyết các khiếu nại, vi phạm của các bên…
 
Quỳnh Nga (congthuong.vn)
 

Bản tin truyền hình - Tin tức pháp luật
Nữ hoàng nội y, người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu

Bản tin truyền hình - Tin tức pháp luật
Nữ hoàng nội y, người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam