Thứ ba, 23/04/2019,10:02 (GMT+7)
Bấp bênh trái cây
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả tăng nhanh. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,81 tỉ USD, tăng 8,8% so năm 2017, riêng kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 3,13 tỉ USD, tăng 4,8% so với năm 2017 và chiếm 82,05% tổng xuất khẩu rau quả. Xuất khẩu trái cây và rau quả nói chung được đẩy mạnh đã tạo nhiều thuận lợi cho nông dân trồng cây ăn trái tiêu thụ sản phẩm với giá tốt hơn so với trước. Song, nhìn chung nhiều loại cây ăn trái vẫn lâm vào cảnh “rộ mùa, rớt giá”, nông dân chưa an tâm về đầu ra sản phẩm.

Thu hoạch xoài tại một hộ dân ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Nông dân chưa an tâm

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích cây ăn quả các tỉnh, thành Nam bộ liên tục tăng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, với diện tích tăng bình quân khoảng 4,2%/năm. Năm 2018, diện tích cây ăn trái tại Nam bộ ước đạt hơn 596.330ha, chiếm 60% diện tích cây ăn trái cả nước; tổng sản lượng ước đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm 67% sản lượng trái cây cả nước, tăng trên 61% so với năm 2010. Hiện miền Nam có 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng lớn, trên 10.000 ha/loại gồm: xoài, chuối, thanh long, cam, bưởi, quýt, nhãn, sầu riêng, dứa, chanh, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu. Trong đó, ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực, chiếm 58% trên tổng diện tích cây ăn trái toàn miền Nam. Tuy nhiên, diện tích cây ăn trái còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, chỉ mới có một số loại cây ăn trái như: thanh long, chuối, cây có múi… hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.

Ông Trần Văn Dũng ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhờ trái xoài được đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nông dân trồng xoài bán được giá khá cao, có thời điểm lên đến 40.000-60.000 đồng/kg đối với xoài giống Đài Loan. Tuy nhiên, vào những lúc rộ mùa thu hoạch của xoài (nhất là vào thuận mùa thu hoạch xoài từ khoảng tháng 2 Âm lịch đến tháng 5 Âm lịch hằng năm) giá xoài thường xuyên xuống thấp,  chỉ có 5.000-10.000 đồng/kg...”. Còn ông Nguyễn Văn Tiễn, nhà vườn trồng nhãn ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết, giá nhãn tiêu da bò bán tại vườn chỉ ở mức 12.000 đồng/kg, nhãn Ido khoảng 20.000 đồng/kg, giảm từ 2.000- 5.000 đồng/kg so với cách nay 1 tháng. Nông dân trồng nhãn cũng lo giá còn giảm do nhiều loại trái cây đã và đang bước vào mùa thu hoạch rộ làm nguồn cung tăng mạnh, thừa hàng dội chợ. Trong khi phần lớn trái cây của nông dân chủ yếu tiêu thụ dạng tươi, không thể để lâu, tới mùa thu hoạch phải hái bán ngay dù giá rẻ.

Hiện nay, dù trái cây của nước ta đã xuất khẩu ngày càng nhiều thị trường trên thế giới, nhưng chủ yếu tập trung xuất khẩu ở khoảng trên 10 loại trái cây, còn lại chủ yếu tiêu thụ nội địa. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của nước ta (chiếm trên 73% thị phần trong năm 2018) nhưng nước ta mới có 8 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này gồm: thanh long, nhãn, vải, xoài, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít. Nhiều nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây rất mong các cơ quan chức năng tăng cường công tác ngoại giao, đàm phán để được xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều loại trái cây sang thị trường Trung Quốc và mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới...

Tăng cường chế biến

Phần lớn trái cây Việt Nam chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ở dạng tươi, thô không để được lâu, khó vận chuyển xa, rất dễ xảy ra cảnh  “thừa hàng dội chợ” khi thu hoạch rộ. Trái cây tiêu thụ ở dạng tươi chiếm khoảng trên 90%, trái cây chế biến mới chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng trái cây. Cả nước có hàng ngàn cơ sở chế biến rau quả có quy mô vừa và nhỏ, chưa có vùng nguyên liệu, liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến  hạn chế, không đảm bảo về chất lượng, số lượng vùng nguyên liệu. Sản phẩm chế biến đơn giản dưới dạng thô, chất lượng thấp, nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt các thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ... Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước mới có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp, với tổng công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt khoảng trên 500 nghìn tấn sản phẩm/năm do nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu. Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế cả nước mới đạt bình quân là 56,2%, nhưng có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền: miền Bắc là 33,0%, ở miền Trung là 96,8%, ở miền Đông Nam Bộ là 81,1% và ở ĐBSCL là 53,1%.

Đầu ra nhiều loại trái cây bấp bênh còn do nông dân tại nhiều địa phương còn trồng cây ăn trái theo kiểu tự phát, chạy theo phong trào và theo giá, chưa gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà tiêu thụ. Sản xuất trái cây tại nhiều địa phương cũng còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó quản lý chất lượng và thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất, cũng như chủ động phòng tránh các loại sâu bệnh. 

Vì vậy bên cạnh tăng cường mở rộng xuất khẩu, giúp nông dân sớm thoát khỏi điệp khúc trái cây “rộ mùa, rớt giá”, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khâu bảo quản và phát triển các sản phẩm chế biến từ trái cây. Đây là khâu mà chúng ta còn khá yếu, nếu làm tốt giúp mang lại nhiều giá trị gia tăng cho trái cây Việt Nam.

Bài, ảnh: Khánh Trung - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu