Đây là một trong những ý kiến được đưa ra trong khuôn khổ "Toạ đàm Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 19/11 tại Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, bất động sản du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn. Trung bình mỗi năm, có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước; bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước.
"Rõ ràng, khách du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu lưu trú, tạo điều kiện cho villa, khách sạn và các nhu cầu dịch vụ, mua sắm, giải trí phát triển. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê, dù tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 đạt 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng vẫn xếp sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á về thu hút khách ngoại. Đặc biệt, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày nhưng ở Singapore là 330 USD/ngày, ở Thái Lan là 115 USD/ngày", ông Nam nêu thực trạng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản du lịch nước ta còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào bất động sản du lịch nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông. Trong trung và dài hạn, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển sẽ vẫn là điểm sáng của thị trường.
Không phủ nhận tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa, nhưng GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển thị trường động sản du lịch Việt Nam chúng ta có thể thấy, có rất nhiều dự án “lớn”, nhưng so với thế giới vẫn “chưa là gì”.
"Để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, chúng ta đã làm được rất tốt, bán các bất động sản du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn.
Chúng ta cũng đã có nhiều dự án bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel, nhưng vì nhiều lý do, trong đó nhiều nhất là tính pháp lý khiến phân khúc này giai đoạn vừa qua có nhịp chững", ông Võ nhìn nhận.
Ông Võ cho rằng, để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, chúng ta phải khắc phục được những điểm yếu này, đó cũng là cơ hội để các mô hình bất động sản du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế của chúng, bởi đây chính là xu thế mới trong phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế để phát triển bất động sản du lịch. Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nói: Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời và khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông. Nhưng chúng ta chưa khai thác được các công viên quốc gia thành điểm du lịch nổi tiếng, hút khách. Chúng ta có công viên quốc gia để bảo vệ các loài vật chứ chưa có công viên quốc gia như một quần thể để chăm sóc du khách, dù đây là một địa điểm tuyệt vời cho du lịch trải nghiệm.
Như ở Mỹ có công viên quốc gia với lực lượng an ninh bảo vệ sát sao, giờ vào và giờ ra được quy định cụ thể. Việt Nam có vịnh Hạ Long, Kẻ Bàng nhưng không có công viên quốc gia.
"Tại sao chúng ta không học hỏi những mô hình của nước ngoài? Chưa kể, du khách đến Việt Nam, họ xem thắng cảnh nhưng họ cũng đòi hỏi tiện nghi cao cấp, trong khi đó, chúng ta chưa có nhiều địa điểm nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp quốc tế, loại hình du lịch trải nghiệm, phục vụ khách hạng sang lại càng khan hiếm. Vi thế tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung vào phân khúc này", TS. Nguyễn Trí Hiếu gợi ý.
PGS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới đánh giá, trên thế giới, những quốc gia nào có nhiều danh lam thắng cảnh đều phát triển rất tốt, còn chúng ta chưa phát triển được một phần nguyên nhân là do chính sách còn rất nhiều vấn đề.
Du lịch trải nghiệm thu hút khách phương Tây khi đến Việt Nam .
Qua đó, ông Võ Đại Lược kiến nghị cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng với một chuỗi giá trị. Trong đó, đầu tiên là từ danh lam thắng cảnh, đến khai thác, tiếp thị, phục vụ; cần xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch và nên mời chuyên gia nước ngoài tham gia cùng. Ngoài ra, nên kiến nghị Chính phủ thành lập hồi đồng tư vấn về phát triển khai thác những danh thắng hàng đầu của Việt Nam để những nhà tư vấn có thể đề xuất ra những giải pháp.
Bên lề tọa đàm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với báo chí rằng, Việt Nam có chủ trương phát triển về du lịch nhưng chúng ta mới đang ở giai đoạn bắt đầu, cố gắng tìm chỗ nghỉ ngơi cho khách đến thăm, chứ chúng ta chưa đi sâu vào thị trường du lịch với những đòi hỏi cao hơn hiện nay rất nhiều.
"Chúng ta phải phát triển du lịch trải nghiệm, người ta đến Việt Nam không chỉ tìm chỗ ngủ, đi xem 1 vài điểm di tích lịch sử, văn hóa như thế mà chủ yếu du lịch trên thế giới hiện nay là trải nghiệm về con người, về nhân văn, văn hóa, thậm chí độ mạo hiểm của tự nhiên...", ông Võ nói.
"Với mục tiêu trải nghiệm thì BĐS du lịch là hình thức khác. Theo đó, những nơi phát triển du lịch phải gắn với cuộc sống của người dân, làm sao để từ đó khách du lịch thâm nhập vào cuộc sống của người dân dễ dàng để chiêm nghiệm văn hóa ẩm thực. Tất cả những điều này Việt Nam chưa làm được gì cả", ông cho biết thêm.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên thực tế du lịch Việt Nam hiện chủ yếu thu hút khách Trung Quốc, Hàn Quốc, một ít Nhật Bản. Còn những người ham đi du lịch ở các nước phương Tây, họ 1 năm họ được nghỉ 1 tháng để đi du lịch nhưng họ đến Việt Nam chưa nhiều.
Do đó, ông Võ cho rằng Việt Nam phải tiếp tục thay đổi tư duy về hạ tầng du lịch trong đó có BĐS để khách du lịch trải nghiệm thì khi đó du lịch Việt Nam mới có sức hút với khách quốc tế, đặc biệt là phương Tây.