Có con sau 15 năm hiếm muộn
Nhà bác sĩ Nguyễn Phú Lâm (49 tuổi) ở thị trấn Cái Nhum (huyện Mang Thít), lâu lâu có người mang con đến kêu gọi bác sĩ Lâm bằng "cha". Nghe hoảng hốt như thế nhưng thực ra là các cặp vợ chồng hiếm muộn sau khi được bác sĩ Lâm điều trị, họ có con và muốn bác sĩ Lâm làm cha nuôi của đứa trẻ. Hiện vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái và chị Trương Thị Phương Thảo (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và tươi đẹp hơn khi chứng kiến con trai Nguyễn Duy Khang (7 tuổi) khôn lớn từng ngày. Nhưng nào ai biết, để có thể nếm trái ngọt như ngày nay, vợ chồng anh trải qua nhiều bôn ba, vất vả trong hành trình điều trị hiếm muộn. Anh Thái bày tỏ: "Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 12 năm mà không có con nên bỏ công việc làm ăn ở quê, đi lên một bệnh viện ở TP HCM làm xét nghiệm, uống thuốc nhưng kết quả không như mong đợi. Nhiều người chỉ chỗ này chỗ kia có bác sĩ giỏi, hay bài thuốc nọ để uống, chúng tôi đều tìm đến nhưng mọi sự không thành công". Trong một lần trò chuyện, anh Thái được một người quen giới thiệu bác sĩ Lâm nên vợ chồng anh Thái lóe lên tia hy vọng. "Đi bệnh viện, chạy chữa khắp nơi không có kết quả, nên tôi cũng không hy vọng nhiều khi đến gặp bác sĩ Lâm. Vì thương vợ mong muốn có con nên hai vợ chồng tìm đến gặp vị bác sĩ này", anh Thái nói.
Bác sĩ Nguyễn Phú Lâm khám bệnh cho bệnh nhân
Việc chữa trị của bác sĩ Lâm cũng gây bất ngờ cho anh Thái bởi "không giống ai". Bác sĩ Lâm chỉ đưa cho anh Thái 1 thang thuốc về ngâm rượu, kêu uống mỗi ngày 3 lần. Nửa tin nửa ngờ, nhưng anh Thái cũng đem thuốc về ngâm rượu cả năm trời, và uống dần như lời dặn dò của bác sĩ Lâm. "Nào ngờ, uống chưa hết hũ rượu thì bả có bầu, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Khi vợ chồng tôi sinh được bé Khang, nhớ đến công ơn của vị bác sĩ này nên thường đưa con đến nhà thăm và nhờ ông ấy làm cha đỡ đầu cho con mình", anh Thái hân hoan.
Dẫn đứa con trai kháu khỉnh gần 18 tháng đến thăm bác sĩ Lâm vào một ngày cuối tháng 10 vừa qua, vợ chồng anh Lê Văn Đình (58 tuổi) cùng vợ là chị Lâm Thị Tú Toàn (45 tuổi; ngụ 292/47 C, đường Lý Thường Kiệt, khóm 2, phường 4, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) không ngờ mình lại có "trái ngọt" sau 15 năm hiếm muộn. Chị Toàn kể: "Tôi với ổng lấy nhau khoảng vào năm 2001, ăn ở với nhau 15 năm không có con. Do vợ chồng cũng không khá giả mấy nên không đi bệnh viện điều trị do chi phí trị hiếm muộn rất cao. Khoảng vào năm 2016, có một đứa bạn ghé thăm, nó bảo vợ chồng cũng muộn con và tìm đến bác sĩ Lâm điều trị, sau đó nó có một đứa con gái. Nghe vậy, vợ chồng tôi tức tốc sang Vĩnh Long tìm đến vị lương y này".
Vợ chồng anh Đình, chị Toàn bồng đứa con trai đến thăm bác sĩ Lâm
Theo lời chị Toàn, sau khi được bác sĩ Lâm khám, chị được bác sĩ Lâm cho thuốc tễ về uống trong vòng 15 ngày, 15 ngày sau uống thuốc Bắc. Còn anh Đình cũng uống thuốc tễ trong vòng 15 ngày và ngâm thang thuốc với rượu. "Tôi uống hết thuốc bác sĩ Lâm đưa, còn chồng tôi ngâm rượu chuẩn bị uống thì khoảng 2 tháng sau đó, tôi hay tin mình mang thai. Khỏi nói là lúc đó hai vợ chồng tôi vui cỡ nào vì lúc mang thai tôi đã 43 tuổi. Chúng tôi biết ơn bác sĩ Lâm nhiều lắm", chị Toàn bày tỏ.
Cũng tìm được niềm vui khó tả là cặp vợ chồng của anh Nguyễn Truyển và chị Lương Thị Hoàng Anh (ngụ phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP HCM). Cũng là trường hợp muộn con, mỗi khi ai nhắc tới đường con cái là vợ chồng anh Truyển buồn rười rượi. Làm được bao nhiêu tiền, hai vợ chồng đều vào bệnh viện, có khi ăn ngủ luôn trong bệnh viện để làm thụ tinh ống nghiệm nhưng vẫn không có kết quả. "Nghe danh bác sĩ Lâm, vợ chồng tôi bỏ hết mọi thứ tìm đến để cầu may. Ông ấy cho thang thuốc kêu về ngâm rượu rồi uống dần, còn vợ thì uống thuốc Bắc bồi bổ cơ thể. Nào ngờ chỉ vài tháng sau, vợ tôi mang thai, sanh đứa đầu là con trai. Bây giờ vợ tôi đang có thai đứa thứ hai, không có niềm vui nào tả nỗi", anh Truyển hồi hộp kể.
Vợ chồng anh Nguyễn Truyển đã uống bài thuốc do bác sĩ Lâm đưa đã có một đứa con trai
Còn rất nhiều trường hợp cặp vợ chồng hiếm muộn, sau khi sử dụng bài thuốc "chồng uống rượu, vợ mang thai" của bác sĩ Lâm đã có con như mong đợi. Bác sĩ Lâm luôn cẩn thận, ghi lại từng trường hợp trong sổ. Anh Đoàn Quang Hoàng (SN 1976) có vợ là chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1985, ngụ phường 11, quận 3, TP HCM) bị tắc vòi trứng nên 7 năm trời chạy chữa không thành công. Sau khi tìm đến bác sĩ Lâm, hiện nay cặp vợ chồng này đã sinh được 2 người con. Anh Nguyễn Hồng Nhựt (SN 1981, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) sau 5 năm đi khắp nơi không còn hy vọng, cũng tìm đến bác sĩ Lâm uống bài thuốc như trên và sinh được đứa con gái xinh xắn.
Bác sĩ có tay nghề
Đến nay, bác sĩ Lâm đã chữa trị cho hơn 1.000 cặp vợ chồng bị hiếm muộn, vô sinh khắp nơi ở: Đông Nam bộ, miền Trung, miền Bắc, các tỉnh ĐBSCL... có tin vui. Theo lời bác sĩ Lâm, ông từng theo học tại Trường Trung học Y học dân tộc ở TP HCM, sau đó về công tác tại Hội Đông y huyện Mang Thít vào năm 2004. Để nâng cao tay nghề, và hiểu biết thêm về Tây y, ông vừa làm, vừa học và đã tốt nghiệp bác sĩ y học cổ truyền vào năm 2012. Bác sĩ Lâm dựa vào Thiên "Phụ đạo xán nhiên" của Hải Thượng Lãn Ông để chữa bệnh vô sinh. Trong Thiên "Phụ đạo xán nhiên" có đề cập về trị vô sinh: "Người thầy thuốc giỏi chữa bệnh không con, về phía trai thì chủ về tinh, gái thì chủ về huyết. Bàn lý luận, lập phương thuốc: trai lấy bổ thận làm cốt, gái điều kinh làm đầu. Lại tham khảo thêm các thuyết bổ khí, hành khí, xét lại thật thấu suốt mà chữa trị có thể thụ thai được".
Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Nhựt cùng đứa con gái xinh xắn đến thăm bác sĩ Lâm
Dựa vào tài liệu trên, với những kiến thức Đông y và Tây y, bác sĩ Lâm đã nghiên cứu và cho ra bài thuốc điều trị vô sinh nam gọi là "Nhất Dạ Ngũ Giao, gia giảm". Theo đó, bài thuốc ngâm rượu gồm các vị: nhục thung dung, kỷ tử, huỳnh tinh (có tác dụng bổ thận sinh tinh); lộc nhung, lộc giác giao (bổ mạnh tinh huyết); nhân sâm, hoàng kỳ (bổ khí)... Ngoài ra còn có sinh địa, dâm dương hoắc, hắc táo nhân, đương quy, xuyên khung, cam cúc hoa, cốt toái bổ, xuyên ngưu tất... Các vị thuốc tương bổ hỗ trợ bổ thận cường dương, sinh tinh tăng số lượng, chất lượng tinh trùng. "Đối với phụ nữ, tôi cho uống thêm Bát Trân thang gia giảm và bài lục vị gia đương quy, bạch thược. Dùng thêm bát vị hoàn, lục vị hoàn, tùy theo chứng bệnh, gia giảm hợp lý", bác sĩ Lâm bày tỏ.
Ông Nguyễn Phương Trình, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: "Trong Đông y, bài thuốc từ trước đến nay đều cố định, quan trọng là tay nghề của lương y, mỗi thầy thuốc có cách gia giảm riêng nên thường nói là phương thuốc gia truyền là vậy. Tương tự đối với trường hợp bác sĩ Lâm trị hiếm muộn, đã dựa vào Thiên "Phụ đạo xán nhiên" và "Nhất Dạ Ngũ Giao", nhưng với kinh nghiệm của mình, đã cho gia giảm riêng". Ông Trình thông tin thêm, bác sĩ Lâm còn dựa vào các kết quả cận lâm sàng của Tây y từ đó bắt mạch cho các cặp vợ chồng, rồi cho ra bài thuốc điều trị để cân bằng âm-dương. "Bài thuốc của bác sĩ Lâm đến nay đã có nhiều kết quả khi nhiều cặp vợ chồng đã có con", ông Trình nói.