Thứ hai, 21/09/2020,07:18 (GMT+7)
Bé vào mầm non
Đi nhà trẻ, mẫu giáo là một bước ngoặt lớn không chỉ với trẻ mà cả với các bậc phụ huynh. Hầu hết các bậc cha mẹ đều xót con, sợ con không quen với môi trường mới,... nên thường lo lắng thái quá. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ và giáo viên, bảo mẫu sẽ giúp bé sớm hòa nhập với trường lớp, phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần.
Cô trò lớp mầm Trường Mầm non Vàng Anh tham gia hoạt động nhóm với trò chơi tại lớp.
Cô trò lớp mầm Trường Mầm non Vàng Anh tham gia hoạt động nhóm với trò chơi tại lớp. 
 
Muôn vàn nỗi lo
 
Những ngày đầu năm học, có dịp ngang qua các trường mầm non, nhiều người dễ dàng bắt gặp cảnh những bậc phụ huynh, đặc biệt là những bà mẹ trẻ, vừa bồng, vừa dỗ con vào lớp. Thậm chí có mẹ sốt ruột, nán lại góc sân trường, lén nhìn vào phòng học của con... Chị Tố Trân gửi con trai 25 tháng ở trường mầm non trên địa bàn quận Ninh Kiều, băn khoăn: “Bé nhà tôi chưa biết ăn cơm, ở nhà ăn cháo quen rồi. Giờ đi nhà trẻ, cô cho biết sẽ tập cho bé ăn cơm dần, nhưng vô lớp bé ăn ít hơn, lại hay ói, ngủ ít...”. Còn chị Huỳnh Ngoan, ở huyện Cờ Ðỏ, có con đang học lớp mầm. Dù con chị ăn uống ngoan, ngủ đủ giấc, chơi vui, chị vẫn không tránh khỏi lo lắng vì một nỗi, hễ đến trường vài ngày là con bệnh. Tuy chỉ là cảm, ho, sổ mũi nhẹ nhưng cũng khiến con trằn trọc ngủ không yên giấc mấy đêm liền, khiến chị xót con.
 
Trong khi đó, chị Ngọc Châm, ở huyện Phong Ðiền có cháu ngoại đã đủ tuổi đi nhà trẻ nhưng chị còn nấn ná, chưa muốn cho cháu đến trường. Chị nói: “Cho cháu đi học, chắc tôi nhớ không chịu nổi. Dù gì cháu cũng còn nhỏ quá, mà tôi còn tranh thủ chăm sóc cháu được nên cứ để cháu ở nhà cho yên tâm. Với lại, mình giữ một đứa thôi mình đã thấy cực, giao qua cho cô giáo giữ một lượt hơn 20 đứa trẻ, làm sao cô chăm kỹ bằng ở nhà được”. Cũng với suy nghĩ này, chị Ngọc Như, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, từng đắn đo rất lâu về chuyện nên hay không cho con đi nhà trẻ ở tuổi lên 2. Chị lo lắng đến nỗi không cầm được nước mắt từ những ngày chuẩn bị hồ sơ cho con “nhập ngũ”. Mấy ngày nay, cứ sau khi gửi con cho cô giáo, về nhà, bất cứ khi nào tranh thủ được là chị mở điện thoại, xem tình hình của con qua camera . Chị để ý từng chút một, từ chuyện con ăn nhiều hay ít, có ngủ trưa được không, kể cả giờ giấc vệ sinh cá nhân và chơi đùa của con,…
 
Hợp tác với nhà trường
 
Ða số phụ huynh đồng ý rằng, đi học sớm, bé sẽ có điều kiện tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp của bé sẽ phát triển tốt hơn, và đặc biệt là sẽ giảm thiểu nguy cơ bé mắc các bệnh tự kỷ, rối loạn cảm xúc - hành vi. Vì vậy, dù lo lắng, các bậc phụ huynh vẫn phải cho con đến lớp, cùng con vượt qua khó khăn đầu đời.
 
Ðã sang tuần thứ 2 của năm học mới nhưng một vài học trò lớp mầm ở Trường Mầm non Vàng Anh (quận Ninh Kiều) vẫn còn khóc đòi mẹ. Một vài trẻ khác ăn giỏi, chơi ngoan nhờ được cầm trên tay chiếc “gối ghiền” đem từ nhà vô lớp. Cô La Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh, cho biết: “Tính riêng lớp mầm và nhà trẻ của trường có khoảng 6 lớp với 200 trẻ. Hai lớp này là được xem là 2 năm học đầu cấp và cũng là đầu đời của bé, sẽ không tránh khỏi sự xáo trộn về tâm lý và sức khỏe, thể chất của bé. Tuy nhiên, nhà trường hết sức quan tâm, áp dụng các biện pháp sư phạm phù hợp để giúp bé hòa nhập nhanh vào môi trường ở lớp”.
 
Theo cô Nguyệt, tranh thủ lúc phụ huynh đến đăng ký cho con học tại trường, cô giáo đã tiếp xúc, tìm hiểu trước một phần về tính nết, thói quen của bé. Ðể bé hợp tác tốt hơn với ba mẹ và cô giáo, các phụ huynh được hướng dẫn cùng bé chuẩn bị dụng cụ học tập, quần áo để đi học. Ngoài ra, ưu tiên cho bé mang theo đến lớp một món đồ chơi bé thích, tạo cảm giác gần gũi, yêu thương cho bé. Nhà trường còn sẵn sàng hướng dẫn phụ huynh cách làm đồ chơi và chơi cùng bé từ các loại vật dụng tái chế như cô giáo đã làm ở lớp, vừa giúp phụ huynh tăng tương tác với con, vừa giúp con cảm thấy quen thuộc và an tâm hơn khi đến lớp.
 
“Tuy vậy, khi trẻ chính thức đi học, vẫn không tránh khỏi những trường hợp phụ huynh lấp ló ngoài cửa, lén nhìn con, trong khi con thì khóc đòi mẹ. Những trường hợp này, nhà trường cố gắng tạo điều kiện cho phụ huynh và bé gặp và chơi cùng nhau tại sân trường để cả hai an tâm hơn và dần làm quen với việc cho con đi học” - cô Nguyệt chia sẻ. Bên cạnh đó, để phụ huynh an tâm cho con đến trường, trước khi vào năm học mới, trường phối hợp y tế tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ không gian học của các bé. Các bé vào học được kiểm tra nhiệt độ và dùng nước rửa tay, có dép mang riêng trong phòng. Nhà trường thực hiện tốt khâu kiểm tra sức khỏe của bé hằng ngày và quan tâm bổ sung nước mát, có nguồn gốc từ trái cây tươi cho bé vào buổi trưa, giúp bé tăng cường đề kháng, phòng bệnh hiệu quả. Trường còn sẵn sàng chia sẻ thực đơn có kết hợp trái cây để phụ huynh chuẩn bị cho bé trong những bữa ăn tại nhà, giúp bé thêm khỏe mạnh, phòng bệnh tốt hơn. Cuối ngày, cô giáo sẽ viết mảnh giấy nho nhỏ nhận xét về biểu hiện trong ngày của các bé để sẵn vào ba lô từng bé, báo cho ba mẹ hay để ba mẹ có biện pháp hỗ trợ tiếp theo một cách phù hợp.
 
Chị Lâm Ngọc My ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, có con đi nhà trẻ, cho biết: “Mình làm công tác tư tưởng cho bé từ khoảng 2 tháng trước khi đi học. Chiều chiều, mình chở con vô trường cho con chơi những trò chơi trong sân trường, làm quen với khung cảnh ở đó. Rồi cùng con đi mua sắm ba lô, quần áo chuẩn bị cho năm học mới. Những ngày đầu đi học, bé khóc dữ lắm, mẹ cũng khóc nhưng đã xác định, phải cho con đến trường nên gửi con cho cô thì mẹ cũng về, không đứng lấp ló ngoài sân, thỉnh thoảng quan sát con qua camera của lớp. Con đi học, trở nên dạn hơn trước, nói chuyện nhiều hơn, dễ ăn và sinh hoạt nề nếp hơn”.
 
Bài, ảnh: MỸ TÚ - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu