Bình Than, cái tên quen thuộc với nhiều người, với câu chuyện kể về Trần Quốc Toản bóp nát quả cam bên ngoài hội nghị Bình Than. Nhiều năm qua, địa danh truyền thống đặc biệt này vẫn luôn được nhiều người nhắc tới.
Bến Bình Than.
Đến Bình Than, Lục Đầu Giang, vào những ngày đông này, vẫn thấy lau sậy hai bên bờ sông tốt rợp như cờ bay. Cả một vùng sông rộng lớn với sóng nước mênh mông ngàn đời vẫn chảy ra biển, thoảng trong gió phảng phất âm vang của hội nghị Bình Than hơn 700 năm về trước.
Tìm hiểu về nguyên thủy thì xa xưa, sông Thương - một trong sáu con sông hợp vào thành sông Lục Đầu vốn có tên là sông Bình Than. Do đó, ở Thị Xã Chí Linh và nơi giáp ranh với huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có bến đò Bình Than, và bến Bình Than là nơi người xưa vẫn đi lại giao thương bên bờ sông này. Tuy nhiên, chứng tích để lại đến ngày nay thì làng Bình Than thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Tại hội nghị khoa học lịch sử năm 2012 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng tổ chức, các nhà nghiên cứu lịch sử đã chứng minh rằng, hội nghị Bình Than diễn ra tại bãi Nguyệt Bàn, thuộc làng Bình Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Bằng chứng là đến nay vẫn còn những địa danh gắn với di tích, như: Đại Than, Phù Than, Văn Than. Ngoài ra, tại xã Cao Đức có đền Tam Phủ vẫn còn lưu giữ sắc phong thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - nơi nhà vua ghé qua tế lễ trước khi đến hội nghị Bình Than.
Theo ghi chép của lịch sử, vào tháng 10 năm 1282, Vua Trần Nhân Tông triệu tập các vương hầu và danh sĩ tại hội nghị Bình Than, bàn về việc đánh quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2. Hội nghị này có lẽ đã diễn ra trên thuyền, giữa dòng Lục Đầu Giang để bảo đảm bí mật quân sự. Khi đó, Trần Quốc Toản vẫn còn là một thiếu niên và chưa được tham dự hội nghị quan trọng này, và vì thế mà có sự tích về việc bóp nát quả cam mà sau này nhiều người ghi nhớ.
Năm 2007, bãi Nguyệt Bàn, đền Tam Phủ, được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cả một vùng còn mênh mông sóng nước và nhiều cỏ lau ở hai bên bờ sông, tàu thuyền đi lại tấp nập. Dưới bến sông, người dân nuôi nhiều lồng bè cá, tăng gia sản xuất.
Bến Bình Than gắn liền sông Lục Đầu với nhiều tiềm năng về kinh tế và giao thông đường thủy. Nhiều người dân và chính quyền địa phương đang quan tâm phát triển du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta xưa kia.
Để phát triển đa dạng kinh tế của các huyện phía đông nam của tỉnh Bắc Ninh, năm 2016, tỉnh đã hoàn thành xây dựng cầu Bình Than nối hai bên bờ sông Đuống. Trong đề án phát triển du lịch của huyện Gia Bình, giai đoạn 2020- 2025, sẽ trình lên cấp trên đề nghị công nhận bến Bình Than là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia, xúc tiến đầu tư xây dựng bãi Nguyệt Bàn, khu nghỉ dưỡng sông Đuống gắn phát triển tổng thể du lịch Lục Đầu Giang. Cùng với đó, còn kết nối với các làng nghề truyền thống, như đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, kết nối với đền thờ Cao Lỗ Vương, đền thờ Lê Văn Thịnh để phát triển đa dạng du lịch.
Trong tương lai, khu vực bến Bình Than và Lục Đầu Giang sẽ dần trở thành vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.