Ngành trồng trọt, chăn nuôi, hải sản thất sủng
Vụ Thu Đông 2019, huyện Ba Tri đã xuống giống hơn 11.000 ha. Trong đó, có khoảng 124 ha lúa bà con tự sản xuất, không theo khuyến cáo có dấu hiệu ngộ độc mặn và đang đối mặt với nguy cơ chết trắng.
Địa bàn huyện Ba Tri có hơn 100.000 con bò, hơn 17.000 con heo, hơn 780.000 gia cầm, hơn 26.000 con dê. Độ mặn trong nội đồng tăng cao từ 6-9,7g/l khiến nguồn nước ngọt phục vụ chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người dân phải tìm nguồn nước từ các giồng cát, ao hồ để phục vụ chăn nuôi.
Huyện có hơn 5.500 ha nuôi thủy sản, gồm khoảng 1.800 ha diện tích nuôi tôm thâm canh, hơn 1.900 ha diện tích nuôi tôm quảng canh và 620 ha diện tích nuôi cá nước ngọt. Đến thời điểm này, có hơn 1.000 ha nuôi nghêu của 3 Hợp tác xã với hơn 9.400 hộ xã viên bắt đầu có hiện tượng chết.
Người dân ngậm ngùi cắt lúa về cho bò, dê ăn
Về nước sinh hoạt, trên địa bàn huyện có 12 nhà máy, trạm cấp nước cung cấp cho hơn 31.000 hộ/tổng số 52.000 hộ của huyện đạt 60,47%. Tuy nhiên nguồn nước cấp vào nhà máy đang bị nhiễm mặn dẫn đến nguồn nước cung cấp cho các hộ dân cũng bị nhiễm mặn từ 2,6-8,3g/l. Theo thống kê, có hơn 20.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, trong đó 10.000 hộ dân thiếu nước dùng trong ăn uống.
Ông Phạm Văn Gôm - Chủ tịch UBND xã An Bình Tây cho biết, địa bàn xã có 60% trên tổng số 3.500 hộ sử dụng nước máy, còn lại các hộ dân phải đổi nước ngọt từ bên ngoài để phục vụ ăn uống, sinh hoạt.
Dù trước đó, người dân đã chủ động dự trữ nước mưa, ngăn mương trữ nước ngọt nhưng do hạn mặn kéo dài nên tình trạng thiếu nước ngọt là điều không thể tránh khỏi, thời điểm này, đa phần người dân phải đi mua, đổi nước ngọt về để ăn uống, sinh hoạt.
Chú Bùi Quang Đức (xã An Bình Tây) tìm những ca nước ngọt cuối cùng để cứu vớt vườn ổi
Ông Hồ Văn Thương - Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết, hạn mặn năm nay xuất hiện sớm và lấn sâu trong nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 4.000 ha vụ lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng nặng.
“Đối với những khu vực cuối nguồn, không đảm bảo nguồn nước, chúng tôi sẽ vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây cỏ để giúp bà con có thu nhập ổn định hơn”, ông Thương cho biết.
Chính quyền cùng người dân chung tay đẩy lùi hạn mặn
Hạn mặn lấn sâu khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những ngày này, các hộ dân phải tất bật ngược xuôi để tìm nước ngọt, phục vụ ăn uống và cứu vớt diện tích cây trồng còn sót lại.
Chú Bùi Quang Đức (xã An Bình Tây) xót xa vì diện tích ổi, rau cải mà gia đình bỏ công chăm bón, tưới tiêu hàng ngày đang đứng trước nguy cơ bị chết héo. Từ khi hạn mặn xuất hiện, gia đình chú bỏ hoang diện tích đất lúa để tránh mất trắng nhưng không ngờ diện tích trồng ổi, rau cải cũng bị ảnh hưởng vì không đủ nước tưới.
Hàng trăm ha lúa vụ Đông Xuân tại xã An Bình Tây, huyện Ba Tri nay đã trở thành nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa hạn mặn, dù đau khổ vì đổ biết bao công sức chăm bẫm nhưng ngoài việc làm thức ăn cho bò, dê thì các hộ dân chỉ biết đứng nhìn cây chết bởi chẳng còn cách nào để cứu vãn thực tế hiện tại.
Diện tích lúa của người nông dân héo mòn vì hạn mặn
Cùng cảnh ngộ với nhiều hộ dân khác, chú Trịnh Văn Hoan (xã An Bình Tây) cũng tận dụng diện tích lúa trong mùa hạn mặn để làm thức ăn nuôi đàn bò, dê của gia đình.
“Nhà tôi cũng có đất trồng lúa nhưng nghe khuyến cáo nên không gieo sạ, còn nhiều hộ vì tiếc nên gieo thì bị mất trắng 100%. Khổ lắm, hạn mặn mà kéo dài thì chúng tôi không biết lấy nước đâu ra để ăn uống, tưới cây cối hàng ngày”, chú Hoan chỉ tay về những ô ruộng nứt nẻ, nói.
Để phòng, chống hạn mặn, huyện Ba Tri đã vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đoạn từ Tân Xuân đến Phú Ngãi. Hoàn thành đưa vào sử dụng nhà máy nước Kênh Lấp hòa mạng vào hệ thống cấp nước nhà máy nước Tân Mỹ. Đồng thời, vận hành lại đập tạm ngăn mặn trên kênh trục 418 và lắp đặt 6 bững cống ngăn mặn tại An Ngãi Trung, An Ngãi Tây.
Công trình trữ nước ngọt, ngăn mặn tại tỉnh Bến Tre
Trong đợt đỉnh điểm của hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ nhiều bồn nước, thùng chứa nước để cấp phát cho bà con nhân dân. Về phía huyện, đã vận động Tàu hải quân 200 m3, hỗ trợ tiền xe chở nước cho dân 10 triệu đồng; Tàu Quân khu 9 200m3; huy động máy lọc nước, 330 bồn nước, mỗi bồn 500l; 8 máy lọc nước công cộng, công suất 200-500l/h; 9 giếng nước công cộng (9 triệu đồng/cái). Đồng thời, huyện đã đưa vào sử dụng 56 hồ nước công cộng, 19 điểm đổi nước để phục vụ nhu cầu của người dân trong đợt hạn mặn.
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)