Thứ tư, 18/11/2020,10:18 (GMT+7)
Bệnh do lối sống...
Kết quả nghiên cứu từ thực tế khám chữa bệnh của các bác sĩ Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ cho thấy, nhiều người mắc phải bệnh tật do lối sống, thói quen tự ý sử dụng thuốc... Vì vậy, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên rèn luyện thể lực để duy trì sức khỏe, có chất lượng sống tốt hơn.
Nhiều hành vi, thói quen sai lầm trong cuộc sống gây nên bệnh tật. Trong ảnh: Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Trân thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội tiết. 
Nhiều hành vi, thói quen sai lầm trong cuộc sống gây nên bệnh tật. Trong ảnh: Bác sĩ CKII Lưu Ngọc Trân thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội tiết. 
 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp trong cộng đồng. Triệu chứng điển hình là khó thở, suy hô hấp do tổn thương đường thở không hồi phục, diễn tiến nặng dần dẫn đến tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, COPD đứng hàng thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới, sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
 
Vì vậy, BS Trần Thị Dáng Kiều và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Ðánh giá kết quả điều trị ban đầu đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Ða khoa TP Cần Thơ năm 2019”, nghiên cứu trên 132 bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, nhập viện từ tháng 3 đến tháng 10-2019. Qua đó, các bác sĩ ghi nhận, nam giới mắc COPD nhiều hơn nữ giới, với độ tuổi mắc bệnh phổ biến từ 60-69 tuổi.
 
Ðiều đáng lưu ý, 100% nam giới mắc COPD đều có tiền sử hút thuốc lá, trung bình là 32 gói/năm. Người hút ít nhất 4 gói/năm, người hút nhiều nhất là 52 gói/năm. Hơn 97% bệnh nhân COPD vào viện vì khó thở kèm các triệu chứng như ho đàm, ho khan, sốt, rối loạn tri giác, tím môi, phù chi, ran phổi, mạch nhanh. Ngoài các vấn đề về hô hấp, hơn 37% bệnh nhân COPD mắc bệnh tim mạch kèm theo. Sau điều trị, khoảng 76,5% bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, trường hợp nặng và tử vong chiếm 2,3%.
 
Liên quan đến tình trạng loãng xương nghiêm trọng, thường gặp ở nữ giới, do việc tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ và lối sống ít vận động, BS CKII Lưu Ngọc Trân, Trưởng khoa Nội tiết và các đồng nghiệp đã thực hiện đề tài “Ðặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của loãng xương và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân dùng glucocorticoid ngoại sinh tại BV Ða khoa TP Cần Thơ năm 2019”.
 
Loãng xương do lạm dụng glucocorticoid là dạng loãng xương do thuốc thường gặp nhất. Glucocorticoid là nhóm thuốc được chỉ định rộng rãi trong rất nhiều bệnh lý với hiệu quả đáng kể và đôi khi là thuốc không thể thay thế. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, gặp nhiều tác dụng phụ nặng nề. Ðáng chú ý nhất là loãng xương dẫn đến gãy xương, gia tăng tỷ lệ tử vong và tàn phế.
 
Ở Việt Nam, một số nghiên cứu dịch tễ cho thấy khoảng 20% phụ nữ trên 60 tuổi có triệu chứng loãng xương. Theo nhóm nghiên cứu của BS Lưu Ngọc Trân, đây là vấn đề cấp thiết cần có sự báo động và biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời cho người bệnh. “Chúng tôi thực hiện đề tài nhằm cung cấp thêm số liệu cập nhật về tỷ lệ loãng xương ở người dùng glucocorticoid ngoại sinh cũng như một số yếu tố liên quan. Từ đó, hướng đến tầm soát và điều trị sớm cũng như giáo dục người bệnh không lạm dụng thuốc, tránh nguy cơ loãng xương và gãy xương do thuốc”- BS Trân chia sẻ.
 
Các tác giả nghiên cứu trên tổng số gần 100 bệnh nhân nhập viện vào Khoa Nội tiết BV Ða khoa TP Cần Thơ trong thời gian từ tháng 2-2019 đến tháng 8-2019. Từ kết quả nghiên cứu, tỷ lệ loãng xương ở bệnh nhân sử dụng glucocorticoid là 43,5%, trong đó, loãng xương cột sống thắt lưng chiếm 70%. Tỷ lệ nữ bị loãng xương nhiều hơn nam giới; đa số có tiền sử sử dụng glucocorticoid liều cao và kéo dài trên 6 tháng. Bệnh nhân dùng glucocorticoid không có thói quen vận động tăng nguy cơ loãng xương gấp 1,5 lần.
 
Theo các bác sĩ, có mối liên quan chặt chẽ giữa loãng xương và thói quen vận động. Vận động thể lực làm gia tăng sức mạnh của cơ bắp và hệ xương khớp. Ðiều này dễ nhận thấy hơn khi quan sát trường hợp bất động thì cơ bắp bị teo và hệ xương bị suy kiệt. BS Lưu Ngọc Trân và các cộng sự khuyến cáo, cần tăng cường tầm soát loãng xương trên các bệnh nhân sử dụng glucocorticoid, bất kể liều và thời gian sử dụng, đặc biệt là người lớn tuổi, giới nữ, ít vận động. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân về tác dụng phụ gây loãng xương, gãy xương của glucocorticoid và tránh lạm dụng thuốc.
 
Hai kết quả nghiên cứu trên thuộc tổng số 20 đề tài tiêu biểu được các tác giả báo cáo tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2020 của BV Ða khoa TP Cần Thơ. BS CKII Trần Quốc Luận, Giám đốc BV cho biết, chiến lược phát triển BV ưu tiên hàng đầu lĩnh vực phát triển chuyên môn kỹ thuật. Năm 2019, BV thông qua 58 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và 2 nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế. Ða số các đề tài hướng đến những vấn đề đáng quan tâm trong thực tế điều trị cho bệnh nhân, nhằm tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu, giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng ÐBSCL.
 
Bài, ảnh: THU SƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu