Thứ ba, 02/06/2020,09:07 (GMT+7)
Bệnh nghề nghiệp ''tàn phá ''sức khỏe người lao động, doanh nghiệp thờ ơ
Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp ở Bình Dương đang gia tăng bởi ảnh hưởng từ môi trường làm việc.
 
Hiện nay, người lao động mắc bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp ở Bình Dương đang gia tăng bởi ảnh hưởng từ môi trường làm việc. Thế nhưng, sự quan tâm của người sử dụng lao động đối với các trường hợp này vẫn còn hạn chế, thậm chí là trốn tránh trách nhiệm. Chính vì vậy, các cấp, các ngành cần có chế tài mạnh trong xử lý thì mới mong người lao động được sinh hoạt, làm việc ở nơi an toàn cho sức khoẻ.
 
 
benh nghe nghiep "tan pha "suc khoe nguoi lao dong, doanh nghiep tho o hinh 1
Bác sĩ Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường tỉnh Bình Dương khám sức khỏe sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
 
 
Sức khỏe người lao động bị "tàn phá"
 
Làm công nhân cơ khí tại một công ty ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương gần 10 năm, anh Nguyễn Tấn Nghĩa gánh chịu nhiều hệ lụy khi hàng ngày phải tiếp xúc với tiếng ồn trong nhà xưởng. Hai năm gần đây, thính giác của anh Nghĩa giảm đi trông thấy, khả năng nghe hạn chế rất nhiều. Thấy vậy, anh đề nghị công ty cho đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện mình bị bệnh điếc nghề nghiệp, tổn thương cơ thể 5%.
 
Anh Nghĩa tâm sự, anh đang có ý định xin nghỉ việc nhưng do cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn nên còn lưỡng lự: “Cái máy sản xuất sắt thép chạy liên tục không dừng nên rất ồn. Ở đây, đông người làm đâu phải chỉ có một mình mình chịu ảnh hưởng. Giờ gần 50 tuổi, lớn tuổi không xin được việc làm khác nên ráng làm tới đâu hay tới đó”.
 
Anh Nghĩa chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mắc bệnh điếc nghề nghiệp đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Bình Dương. Sự gia tăng của bệnh điếc nghề nghiệp là do môi trường làm việc có nhiều tiếng ồn vượt mức quy định, tập trung ở ngành nghề thép, cơ khí. Tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhưng doanh nghiệp không áp dụng biện pháp chống ồn, lắp đặt vật liệu hấp thu âm thanh.
 
Theo thống kê của Trung tâm Sức khỏe lao động- Môi trường tỉnh Bình Dương, xếp sau bệnh điếc nghề nghiệp là bệnh bụi phổi nghề nghiệp. Những công nhân làm việc trong nhà máy chuyên sản xuất đồ gốm, dệt may là đối tượng dễ mắc bệnh bụi phổi khi liên tục hít phải những hạt bụi nhỏ. Triệu chứng chung thường xuất hiện ở những người bị bệnh bụi phổi là ho khan hoặc khạc đờm đen, ho ra máu vào buổi sáng, tức ngực, khó thở, bị viêm tắc nghẽn tiểu phế quản tận.
 
Chị Nguyễn Thị Diễm Hương, công nhân công ty may ở thành phố Thuận An cho rằng, dù biết mức độ nguy hiểm của bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn chấp nhận “sống chung với lũ” để có tiền lo cho cuộc sống, gia đình: “Vì mưu sinh thôi. Tôi chỉ làm công nhân thôi chứ đâu có bằng cấp gì nên không lựa chọn được việc văn phòng. Dù biết sẽ mắc bệnh nhưng tôi vẫn phải chấp nhận. Mình tự bảo vệ bằng cách đi làm phải đeo khẩu trang 24/24h”.
 
Doanh nghiệp chưa quan tâm
 
Hiện nay, qua khám sức khỏe định kỳ cho người lao động còn phát hiện một số bệnh nghề nghiệp khác, như: nhiễm độc chì, nốt dầu nghề nghiệp, rung cục bộ nghề nghiệp… Dù không gây tổn hại trước mắt hoặc biểu hiện nhiều ra bên ngoài nhưng các bệnh này để lại hậu quả nghiêm trọng, “tàn phá” sức khỏe, thể chất, tinh thần người lao động.
 
Theo quy định của Bộ Luật lao động và Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động bắt buộc hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tất cả người lao động ít nhất một lần. Đối với những người lao động làm việc trong môi trường độc hại thì phải được khám sức khỏe 6 tháng một lần. Thế nhưng, ở Bình Dương mỗi năm chỉ có vài trăm ngàn lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp. So với tổng số hơn 1,2 triệu người lao động đang làm việc tại Bình Dương, thì con số trên còn quá khiêm tốn.
 
Không chỉ thiếu trách nhiệm trong việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, việc khảo sát, đo đạc, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động cũng chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. 
 
Bác sĩ Lê Văn Tấn, Phó trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp của Trung tâm Sức khỏe lao động- Môi trường tỉnh Bình Dương khẳng định, số lượng công nhân mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng. Thế nhưng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thờ ơ trong tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho công nhân. Về phía người lao động cũng “ngại” đề nghị chủ doanh nghiệp cho đi khám sức khỏe vì nếu phát hiện mắc bệnh cũng đồng nghĩa với mất việc làm.
 
“Tình trạng bệnh nghề nghiệp rất nhiều, tuy nhiên doanh nghiệp chỉ chú tâm lợi nhuận công ty, xu hướng chủ doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động nên né luật. Khi chẩn đoán một công nhân nào đó mắc bệnh nghề nghiệp ở mức độ nặng ảnh hưởng đến tiếng tăm công ty thì người sử dụng lao động sẽ bố trí cho công nhân nghỉ việc”.
 
benh nghe nghiep "tan pha "suc khoe nguoi lao dong, doanh nghiep tho o hinh 2
Nhiều công nhân ở Bình Dương bị điếc nghề nghiệp đang làm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội 
 
Ông Nguyễn Kim Khánh, Chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, với vai trò của mình, hàng năm, Thanh tra Sở đều kết hợp kiểm tra môi trường làm việc, khám bệnh định kỳ cho người lao động tại các doanh nghiệp. Từ đó, cơ quan này nhắc nhở chủ doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc và thực hiện chăm lo sức khỏe cho người lao động. Cái khó hiện nay là với các doanh nghiệp vi phạm hoặc không thực hiện nhắc nhở của ngành chức năng thì mức xử phạt vẫn chưa cao khiến doanh nghiệp “nhờn” luật, cố tình trốn tránh trách nhiệm.
 
"Những doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhắc nhở, đôn đốc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp đơn vị cố tình không thực hiện, Sở sẽ có biện pháp, xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật", ông Khánh cho biết.
 
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 659 phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020- 2030. Mục tiêu, đến năm 2025, 50% người lao động tại cơ sở lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp và đạt 100% vào năm 2030. Đạt được kết quả này, các ngành, các cấp ở Bình Dương cần có chế tài mạnh tay với những doanh nghiệp xem thường sức khỏe người lao động.
 
Mặt khác, với vai trò là cầu nối, công đoàn cơ sở phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham gia giám sát, tham mưu cho chủ doanh nghiệp thực hiện khám chữa bệnh định kỳ, cải thiện môi trường làm việc. Làm được như vậy thì người lao động mới có thể được làm việc trong môi trường an toàn./.
 
Thiên Lý - (vov.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu