Thứ tư, 09/06/2021,16:27 (GMT+7)
Bệnh nhân tăng huyết áp cần làm gì trong đại dịch COVID-19?
Ở các bệnh viện, bệnh nhân tăng huyết áp (THA) điều trị ngoại trú giảm nhưng bệnh nhân nhập viện vì THA lại có xu hướng tăng. ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường, Phó Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ trao đổi một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp.
 
* Thưa bác sĩ, huyết áp tăng ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe người bệnh?
 
- Khi huyết áp tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan như tim, thận, não, mắt... Cụ thể là làm cho cơ tim dày lên, dẫn đến suy tim; nguy cơ gây đột quỵ do nhồi máu não hoặc xuất huyết não; gây phù gai thị; tăng nguy cơ suy thận.
 
THA gây ra đau đầu, chóng mặt, choáng váng. Tuy nhiên cũng có khi THA diễn biến âm thầm, nên còn gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. THA lâu ngày làm cho mạch máu xơ vữa, vôi hóa, hẹp dần gây biến cố tim mạch, não, suy tim âm thầm.
 
Nguyên nhân THA, bên cạnh việc ngại đến bệnh viện tái khám, bệnh nhân bỏ, không uống thuốc huyết áp, còn có nguyên nhân dịch COVID-19 ảnh hưởng kinh tế của người dân, nhất là người làm các nghề lao động tự do, kinh doanh các dịch vụ, buôn bán... Ngoài ra, những thói quen sinh hoạt bị đảo lộn do dịch bệnh làm cho người dân căng thẳng, stress, mất ngủ. Các tác động đó làm cho chỉ số huyết áp dao động, tăng vọt.
 
*  Như vậy, người THA làm gì để kiểm soát huyết áp ?
 
- Thay đổi lối sống cho phù hợp. Ví dụ trước đây tập thể dục công viên, thì nay tập thể dục xung quanh nhà, trong nhà. Tập thể dục giúp làm giảm trị số huyết áp, giảm rối loạn mỡ máu, giảm nguy cơ tử vong và duy trì cân nặng hợp lý. Bên cạnh thể dục cần duy trì chế độ ăn nhiều chất xơ, rau củ quả, trái  cây, ăn lạt, uống nhiều nước. Trong mùa dịch, hạn chế đi ra ngoài, chính vì vậy, thời gian vận động ít đi thì cân bằng chế độ ăn, tránh lối sống tĩnh tại ôm tivi, điện thoại, ăn nhiều dễ dẫn đến thừa cân, khó kiểm soát huyết áp.
 
Giảm stress trong thời gian dịch COVID-19 cũng rất quan trọng, người bị THA cần suy nghĩ theo hướng tích cực, giữ cân bằng các mối quan hệ, động viên, quan tâm cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19. Bệnh nhân tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Nếu huyết áp ổn định, 1 tuần đo 2-3 lần. Nếu huyết áp không ổn định, cần đo kiểm tra thường xuyên và tư vấn bác sĩ điều trị.
 
* Hiện nay, người dân ngại đến bệnh viện do tác động của dịch COVID-19, bác sĩ có lời khuyên gì cho người bệnh?
 
- Nếu chỉ số huyết áp ổn định, người bị THA uống thuốc theo toa cũ trong 2-3 tháng. Nếu người bệnh đến lịch hẹn tái khám, hay huyết áp không ổn định hoặc có những biểu hiện khó chịu như đau đầu, nặng ngực, khó chịu cần liên hệ bác sĩ điều trị hoặc tổng đài bệnh viện để tư vấn.
 
Đối với người lớn tuổi, nếu có hiện tượng tăng cân đột ngột phải đi xét nghiệm, kiểm tra. Người có bệnh THA có tỷ lệ tử vong cao nếu nhiễm COVID-19. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới là 8,4%. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, người bệnh THA thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân thủ theo toa thuốc của bác sĩ. Đồng thời, duy trì theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp tự động.
 
Khi đo huyết áp, cần chú ý: trước khi đo nghỉ ngơi khoảng 15 phút. Không nên đo sau khi hút thuốc lá, uống rượu, bia. Chỉ số huyết áp ở trên tâm thu, dưới là tâm trương. Nếu tình trạng ổn định, không cần đo liên tục, 1 tuần đo vài lần là được. Nếu không ổn định, đo thường xuyên 2-3 lần/ngày hoặc nhiều hơn tùy mức THA.
 
* Xin cảm ơn bác sĩ!
 
H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu