Thứ tư, 17/08/2022,18:14 (GMT+7)
Bệnh viện ứng phó thế nào nếu phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ?
Nam bệnh nhân đi du lịch tới quốc gia có bệnh mùa khỉ, đến khám với biểu hiện sốt, nổi hạch, nổi mụn trên da. Đây là tình huống diễn tập ứng phó đậu mùa khỉ của Bệnh viện Da liễu Trung ương.
 
Chiều 15-8, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã diễn tập tình huống phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ cho nhân viên y tế toàn viện, nhằm phát hiện sớm ca bệnh.
 
Theo đó, tình huống đưa ra là nam bệnh nhân 60 tuổi, mới đi du lịch tới quốc gia ghi nhận bệnh mùa khỉ, đến khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương với các biểu hiện sốt 3 ngày, đau đầu, nổi hạch, đau cơ, nổi mụn nước trên da...
 
Bệnh viện ứng phó thế nào nếu phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ? - Ảnh 1.
Bệnh viện Da liễu Trung ương tập huấn cho các nhân viên y tế về bệnh đậu mùa khỉ
 
Một bác sĩ khai thác tiền sử dịch tễ của bệnh nhân trong vòng 21 ngày qua, phát hiện ông có đi du lịch nhiều ngày tới một quốc gia châu Mỹ - nơi ghi nhận số lượng lớn ca bệnh đậu mùa khỉ. Lập tức bệnh nhân được chuyển sang phòng khám cách ly thay vì phòng khám thường.
 
Tại phòng khám cách ly có bác sĩ và nhân viên y tế được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ. Mẫu bệnh phẩm được lấy và gửi đi chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả, bệnh nhân được chuyển tới buồng điều trị riêng. Ca bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ này được báo cáo lên Bộ Y tế.
 
Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh viện sẽ khởi động lại quy trình khám phân luồng, khám cách ly và điều trị cách ly trong trường hợp có ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định, tương tự quy trình với dịch Covid-19.
 
"Mỗi ngày bệnh viện có từ 1.000-2.000 người tới khám các loại bệnh lý liên quan da liễu. Do bệnh đậu mùa khỉ có nhiều biểu hiện ngoài da nên việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt nhận biết triệu chứng điển hình đậu mùa khỉ và khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh rất quan trọng" - bác sĩ Hiền nói.
Bệnh viện ứng phó thế nào nếu phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ? - Ảnh 2.
Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Israel - Ảnh: Reuters/TTXVN
 
Trước đó, ngày 4-8, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu đẩy mạnh giám sát đậu mùa khỉ tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có các cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS.
 
Theo các chuyên gia dịch tễ, cơ sở y tế sẽ là nơi phát hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, thay vì ở sân bay. Hai nhóm người nguy cơ cao nhất lây nhiễm virus đậu mùa khỉ là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán.
 
Đến nay, thế giới có hơn 31.700 ca mắc đậu mùa khỉ với 12 ca tử vong tại 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, gần 99% bệnh nhân tại 82 quốc gia không có bệnh đậu mùa khỉ lưu hành trước đây.
 
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
 
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi. Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với thủy đậu, đậu mùa, tay chân miệng hay nhiễm herpes lan tỏa do có một số điểm tương đồng trong triệu chứng, như nổi ban, phỏng nước.
 
N.Dung (nld.com.vn)
 
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu