Thứ ba, 26/06/2018,15:58 (GMT+7)
Bí ẩn chai nước bốc cháy giữa trưa hè
Các nhà khoa học khuyên bạn đừng để chai nước suối lên một chồng giấy hay thứ gì dễ cháy, trong các ngày nắng đẹp.

Chai nước suối hình quả bóng mà công ty nước Holy Water của Nga vừa cho ra lò nhân dịp World Cup 2018 khiến các nhà khoa học liên tưởng đến một vụ chai nước làm cháy xe ô tô ở Mỹ vào năm 2017.

Bí ẩn chai nước bốc cháy giữa trưa hè - Ảnh 1.

Chai nước phiên bản World Cup với tất cả các mặt đều cong, có nguy cơ gây hội tụ ánh nắng dẫn đến hỏa hoạn khá cao - ảnh: HOLY WATER

Hãy cẩn thận với mọi loại chai nước nhựa trong vào những ngày nắng đẹp, nóng nực, bởi cho dù chai nước hình quả bóng có xác suất gây cháy cao hơn nhưng chai nước hình dạng bình thường cũng đủ trở thành thủ phạm trong vụ cháy ghế ô tô ở Mỹ.

Odile Madden, một nhà khoa học vật liệu tại Viện Bảo tồn Getty ở Los Angeles, Mỹ, giải thích với Live Science: "Chai nước hoạt động như một thấu kính".

Bí ẩn chai nước bốc cháy giữa trưa hè - Ảnh 2.

Từng có vụ cháy ghế ô tô vì chai nước bốc cháy - ảnh: LIVE SCIENCE

Có lẽ bạn đã đôi lần thử dùng một chiếc kính lúp, làm ánh nắng hội tụ để đốt một chiếc lá hay mẩu giấy. Đó cũng là một ý kiến hay nếu bạn đi cắm trại mà quên mang bật lửa. Cô Madden giải thích: Trong trường hợp này, ánh nắng đã vô tình chiếu trúng phần cong của chai nước, chai nước trở thành một thấu kính hội tụ, tập trung ánh nắng và nhiệt năng, từ đó gây cháy.

Rất may, chiếc ghế da trong vụ cháy ô tô là loại ghế chống cháy nên nó chỉ bị thủng và không bắt lửa sang thứ khác. Cửa sổ xe khi đó đang đóng nên ánh nắng cũng bị cản bớt ít nhiều.

Nhà hóa học Michael Doutre - cũng đến từ Viện Bảo tồn Getty, cộng sự của cô Madden trong một nghiên cứu về vật liệu nhựa - phân tích: "Ngay khi mặt trời chiếu qua cửa sổ xe, nắng cũng chạm vào ghế ngồi với năng lượng khoảng 600 watt trên mỗi mét vuông, tương đương nhiệt từ một lò sưởi. Nếu nó bị hội tụ vào một điểm nhỏ hơn 1 mm, có thể dễ dàng làm nóng vật liệu nhựa vinyl đến nhiệt độ tan chảy, từ đó gây cháy".

Tuy nhiên, hai nhà khoa học trấn an rằng nguy cơ xảy ra cháy rất thấp. Muốn cháy, phải hội đủ nhiều điều kiện: chai nước là loại trơn, trong suốt, đầy chất lỏng trong suốt bên trong, được đặt đúng vị trí mà ánh mặt trời thời điểm đó có thể xuyên qua mặt cong và bị hội tụ.

"Dù vậy, tôi sẽ không bao giờ bỏ chai nước lên trên một chồng giấy nữa" – nhà hóa học Doutre nói.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu