Thứ bảy, 27/08/2022,13:10 (GMT+7)
Bỏ ngỏ quy định “chất cấm” trong thực phẩm: Doanh nghiệp vướng, người tiêu dùng lo
Mỗi quốc gia chấp nhận một mức dư lượng Ethylene Oxide trong thực phẩm khác nhau nên sản phẩm xuất khẩu dễ bị "tuýt còi" nếu doanh nghiệp không nắm chắc quy định của nước đối tác
 
Bộ Công Thương yêu cầu Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) báo cáo cụ thể về thông tin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (Trung Quốc) thu hồi, tiêu hủy hơn 1,4 tấn mì ăn liền Omachi nhập khẩu từ Việt Nam chứa chất Ethylene Oxide (EO) do công ty này sản xuất. Đây không phải là lần đầu tiên mì ăn liền của Việt Nam bị thu hồi, tiêu hủy tại thị trường xuất khẩu do vượt ngưỡng EO.
 
Không riêng Việt Nam
Hồi tháng 8-2021, Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland thông báo thu hồi lô mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (hạn sử dụng đến 24-9-2022) và miến Good vị sườn heo (hạn sử dụng đến 10-11-2022) do Công ty CP Acecook Việt Nam ở Ireland sản xuất. Những sản phẩm này cũng từng bị thu hồi hoặc tiêu hủy tại thị trường Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Ireland, Đan Mạch và Thụy Sĩ do chứa chất EO. Gần đây, Đức, Ba Lan, Malta cũng gửi cảnh báo đối với sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP Thực phẩm Á Châu do nghi chứa EO...
 
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay không riêng sản phẩm xuất xứ Việt Nam, thời gian qua, nhiều mặt hàng thực phẩm của nhiều quốc gia cũng bị cảnh báo về hàm lượng EO vượt giới hạn cho phép. Chẳng hạn, cuối năm 2020, Vương quốc Bỉ thông báo trên Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (EU) về việc dư lượng EO trong nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ vượt rất nhiều lần so với ngưỡng giới hạn cho phép của EU. Xuất phát từ vụ việc này, nhiều quốc gia thuộc EU cũng tăng cường kiểm tra dư lượng EO trong thực phẩm chế biến.
 
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, từ chất phụ gia, gia vị, thảo mộc, ngũ cốc, kem, sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả đến cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao. Trong đó, nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 và các sản phẩm liên quan. Sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào EU chủ yếu có nhiều cấu phần, chẳng hạn gói mì ăn liền gồm mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt...
 
Mỗi nơi mỗi kiểu
Một đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết EO không thuộc danh mục cấm sử dụng trong thực phẩm theo quy chuẩn an toàn thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Ủy ban Codex, thuộc Liên Hiệp quốc). Thành phần EO không thuộc danh mục cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn cho phép trong thực phẩm. Mỗi quốc gia quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm khác nhau tùy thói quen sử dụng sản phẩm và công nghệ sản xuất.
 
"Không loại trừ việc một chất được chấp nhận tại quốc gia này nhưng không được chấp nhận ở quốc gia khác. Ngay cả khi cùng cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng mỗi nước có thể quy định khác nhau về hàm lượng hoặc đối tượng sử dụng. Do đó, sản phẩm bị một quốc gia thu hồi có thể do việc sử dụng phụ gia không phù hợp quy định tại quốc gia đó" - vị đại diện Cục An toàn thực phẩm giải thích.
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết hiện nay, không ít nước có quy định khá chặt chẽ về chất EO, chỉ cho phép ở mức rất thấp, song nhiều nước lại không cấm. Việc cấm hay không cấm chất này dựa trên những nghiên cứu về mức tiêu thụ, thói quen sử dụng thực phẩm của mỗi nước. Bởi vậy, khi một nước không cho phép sử dụng loại phụ gia nào đó tại thị trường của họ trong khi Việt Nam vẫn chấp nhận thì không có nghĩa sản phẩm trong nước không an toàn.
 
Đại diện một DN kiểm nghiệm thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam cho hay vấn đề về dư lượng EO khá phức tạp khi tiêu chuẩn ở các thị trường rất khác nhau. Chẳng hạn, EU là thị trường đi đầu trong thiết lập tiêu chuẩn về EO trong thực phẩm với ngưỡng cho phép tối đa rất thấp, chỉ 0,01 ppm (0,01mg/kg, gần như không có), khiến nhiều nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn. Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và gần đây là Campuchia cũng áp dụng tiêu chuẩn này với các loại thực phẩm nhập khẩu.
 
Trong khi đó, Mỹ lại cho phép sử dụng EO để khử trùng nông sản với dư lượng tối đa cho phép áp dụng cho thảo mộc, rau củ khô (có trong gói gia vị của mì ăn liền - PV) lên đến 7 ppm (gấp 700 lần ngưỡng của EU). Còn thị trường rất lớn của nông sản Việt là Trung Quốc chưa có quy định về EO. "Việc xem xét ban hành quy định về ngưỡng EO cho phép tại Việt Nam là khá khó. Nếu chọn ngưỡng EO cao sẽ gặp áp lực về dư luận, còn nếu áp dụng mức thấp sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất" - đại diện DN kiểm nghiệm này nói.
 
Bỏ ngỏ quy định chất cấm trong thực phẩm: Doanh nghiệp vướng, người tiêu dùng lo - Ảnh 1.
Không ít nước có quy định khá chặt chẽ về chất Ethylene Oxide trong thực phẩm song nhiều nước lại không cấm. Trong ảnh: Khách hàng mua mì gói tại một siêu thị ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Nỗ lực khắc phục
Liên quan đến thông tin gần đây, Campuchia không cho phép nhập khẩu lô mì Hảo Hảo hương vị gà của Công ty CP Acecook Việt Nam mà EU phát hiện nhiễm EO, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết đã nắm được vụ việc. Phía Campuchia yêu cầu các lô mì ăn liền Hảo Hảo xuất khẩu vào nước này phải có chứng nhận kiểm tra EO; nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này cho nhân viên kiểm tra tại cửa khẩu. Việc kiểm tra thực tế có thể được gỡ bỏ nếu 5 lô hàng liên tiếp không nhiễm EO.
 
"Các nhà sản xuất mì ăn liền và thương hiệu mì khác xuất khẩu sang Campuchia không bị ảnh hưởng trong đợt này. Tuy nhiên, nhà sản xuất vẫn phải chủ động kiểm soát chặt chỉ tiêu EO trong sản phẩm, đặc biệt là trong các gói gia vị đi kèm. Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết thực phẩm nhập khẩu vào Campuchia phải đáp ứng yêu cầu về an toàn của nước này hoặc tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, dù Campuchia chưa quy định về chất EO trong mì ăn liền nhưng họ có thể viện dẫn tiêu chuẩn EU để áp dụng" - ông Nam lưu ý.
 
Nhiều chuyên gia kinh tế chung quan điểm nếu Việt Nam liên tiếp để xảy ra những vụ việc tương tự trên thị trường thì có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín, dẫn đến nguy cơ bị trừng phạt thương mại. "DN xuất khẩu cần quan tâm, đáp ứng đúng nhu cầu của từng thị trường. Không mang hàng sản xuất theo tiêu chuẩn nước này xuất sang nước kia, cũng không cần thiết phải sản xuất với tiêu chuẩn cao nhất vì sẽ tốn kém, giảm khả năng cạnh tranh" - PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyến nghị.
 
Thông tin đáng mừng là đã có DN Việt Nam nỗ lực khắc phục để không tái diễn tình trạng sản phẩm bị cảnh báo, thu hồi ở thị trường nước ngoài. Đại diện Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương - DN từng bị Na Uy cảnh báo về sản phẩm mì gói được đối tác đặt gia công có nhiễm EO - cho biết đã thực hiện nhiều bước nhằm khắc phục. Đầu tiên, DN này xét nghiệm toàn bộ nguyên liệu để tìm ra nguyên liệu có độ rủi ro cao nhiễm EO nằm ở gói gia vị. Sau đó, DN làm việc với các nhà cung cấp, yêu cầu họ cam kết không sử dụng EO trong quá trình sản xuất.
 
Trong dây chuyền sản xuất, DN này kiểm tra dư lượng EO từ khâu kiểm soát đầu vào đến khâu sản xuất bán thành phẩm, thành phẩm trước khi xuất khẩu. "Nhờ vậy, chúng tôi vẫn giữ được thị trường EU nhưng hiệu quả không được như trước vì tốn nhiều chi phí để kiểm soát cũng như giảm năng suất do mất thời gian đợi kết quả kiểm nghiệm" - đại diện công ty chia sẻ thêm. 
 
 
 
Sớm phối hợp xây dựng tiêu chuẩn
PGS-TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết EO được sử dụng để khử trùng, hun trùng sản phẩm nông sản, thực phẩm rất hiệu quả. Đây không phải phụ gia thực phẩm hay chất hỗ trợ chế biến thực phẩm. Ủy ban Codex cũng như Việt Nam hiện chưa ban hành quy định về dư lượng chất EO. Do đó, ông kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, quy định hàm lượng, dư lượng tối đa cho phép chất này có trong thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
 
NGỌC ÁNH - NGỌC DUNG - MINH CHIẾN (nld.com.vn)
 

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu