Thứ sáu, 19/07/2019,09:40 (GMT+7)
Bộ siết chặt quản lý khâu tuyển sinh Đại học
Thực tế cho thấy nhiều trường đại học (ĐH) vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm. Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án.

Siết chặt quản lý chất lượng đại học

Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), kết quả đăng ký xét tuyển cho thấy hiện nay có hơn 887.000 thí sinh, trong đó 73,6% đăng ký xét tuyển ĐH. Tỷ lệ này là tương đối ổn định so với các năm trước, trung bình mỗi thí sinh đăng ký 3 nguyện vọng, điều này là phù hợp.

Đánh giá về công tác tuyển sinh ĐH thời gian qua,  Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Cơ bản qua theo dõi chúng tôi thấy rằng bên cạnh một số trường còn gặp khó khăn, thì công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh hơn, tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường”.

Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, thực tế cho thấy nhiều ĐH vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm. Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án.

“Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có ĐH do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao mà không đúng năng lực thực tế. Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy. Tới lúc tuyển được nhiều sinh viên, trường mới đi ký hợp đồng giảng viên đủ số lượng. Những việc đó là sai quy định”, ông Bằng nói.

Ngoài kê khai không đúng danh sách giảng viên cơ hữu theo Đề án tự chủ tuyển sinh đã được Bộ phê duyệt, một số ĐH công bố điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành sức khoẻ không đúng Quy chế tuyển sinh, công bố kết quả xét tuyển, trúng tuyển trước khi học sinh có kết quả xét tốt nghiệp THPT, điều này đang khiến xã hội băn khoăn lo lắng về chất lượng nguồn tuyển ĐH. Để nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng này, ngày 12/7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy chế tuyển sinh và thực hiện đúng cam kết trong đề án tuyển sinh đã được công bố.

Tại Hội nghị về công tác tuyển sinh ĐH và triển khai Luật Giáo dục ĐH, diễn ra ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học.

Vi phạm sẽ không được tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm

Nhắc nhở các trường ĐH tập trung rà soát hệ thống các văn bản, củng cố hệ thống quy định của mình theo đúng thông tư 51 của Bộ để thực hiện nghiêm túc quy định Luật Giáo dục và Quy chế tuyển sinh, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể sáng tạo nhưng không được tùy ý du di theo ý hiểu cá nhân. Tất cả phải theo khung chung là quy chế, thông tư, nghị định”.

“Tôi cũng đề nghị các trường quán triệt công văn 2969 ngày 15/7/2019 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thanh tra kiểm tra tuyển sinh để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra. Xin nói rõ là thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường. Hiệu trưởng nếu quan tâm, thực hiện đúng quy định thì tự trường đã loại được khá nhiều lỗi chuyên môn có thể do chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót”, ông Bằng nói.

Đồng thời, “lãnh đạo Bộ cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc tới đó nhằm siết chặt quản lý kiểm soát, đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh tự chủ hiện nay”, ông Bằng thông tin.

Nói rõ hơn về chế tài xử phạt vi phạm về  tuyển sinh, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay: “Luật Giáo dục ĐH 2019 đã quy định rõ, những cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ, công chức và luật Viên chức. Việc tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội”.

Bà Phụng cũng cho biết, để cung cấp thêm thông tin phục vụ công tác quản lý, minh bạch hóa chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học của các trường trong năm 2018, 2019 trên Cổng Thông tin Tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường.

Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương Bùi Anh Tuấn cũng đồng tình: “Việc xử lý nghiêm và kiên quyết đối với những cơ sở và cá nhân cố tình làm sai sẽ làm cho xã hội có nhìn nhận đánh giá đúng đối với cơ sở giáo dục ĐH, ủng hộ cho các cơ sở làm đúng, làm tốt”.

Nhật Nam - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu