TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, nếu đã lỡ ăn uống thả phanh trong những ngày Tết, mọi người cần phải kiên định quay lại với chế độ ăn hợp lý. Mọi người nên kiểm soát đầu vào từ 1.400 - 1.600 kcal mỗi ngày, khi đó, cơ thể sẽ buộc phải lấy mỡ từ kho dự trữ để chuyển hoá thành năng lượng cung cấp cho cơ thể vận động.
"Đặc biệt, trong dịp Tết không nên ăn nhiều chất bột đường như: cơm, bánh mì, bún phở, bánh kẹo ngọt, trái cây ngọt, bánh mứt hay các chất béo trong thịt mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ chiên rán... Hạn chế sử dụng đồ uống có gas, có đường, bia, rượu, cà phê, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn và bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung rau củ, trái cây", BS Sơn nói.
Chuyên gia dinh dưỡng này cũng khuyến cáo, các bà nội trợ khi chế biến các món ăn sau Tết nên tập trung vào những món hấp, luộc, tránh chiên, xào. Sau Tết nên chuyển sang ăn cá, hải sản sẽ đỡ ngán. Người cao tuổi nên hạn chế ăn thịt, ăn nhiều cá sẽ giúp dễ tiêu hóa, cung cấp omega-3 tốt cho tim mạch.
Ngoài việc uống đủ nước, mọi người nên duy trì tối thiểu 30 phút vận động mỗi ngày với các môn thể thao phù hợp. Để tiêu hao nhiều năng lượng hơn đã được nạp liên tục vào cơ thể bạn trong mấy ngày Tết, có thể chọn những môn vận động với cường độ cao hơn ngày thường. Và sau đó có thể giảm cường độ xuống dần tùy theo sức khỏe của mỗi người.
“Những vận động tưởng nhỏ như đi lại, xoay lắc người khi nghỉ ngơi, khi xem ti vi cùng gia đình; chọn đi cầu thang bộ thay cầu thang máy… cũng góp phần giúp ích tiêu hao năng lượng. Nếu thời tiết ấm áp, nên khuyến khích trẻ nhỏ ra ngoài vui chơi, vận động vừa để tiêu hao năng lượng, vừa để có cảm giác đói thì sẽ ăn ngon miệng hơn”, BS Sơn nói.