Thứ ba, 09/05/2023,08:05 (GMT+7)
Bộ trưởng GD-ĐT đề cập vụ cô giáo cắm bản tử nạn lúc đến trường khi tiếp xúc cử tri
Nhắc lại vụ cô giáo Mai Thị Yến, trường mầm non Đường Thượng ở Hà Giang, tử nạn trên đường trở lại trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói điều này cho thấy khó khăn chồng chất đối với giáo viên cắm bản, công tác tại vùng sâu, vùng xa.
 
Ngày 8-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hà Đông (đơn vị bầu cử số 6) trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. ĐBQH Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tham dự.
 
Bộ trưởng GD-ĐT đề cập vụ cô giáo cắm bản tử nạn lúc đến trường khi tiếp xúc cử tri - Ảnh 1.
ĐBQH Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thu Uyên
 
Tại hội nghị, tổ ĐBQH đã thông báo với cử tri dự kiến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; báo cáo với cử tri về kết quả giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền về kiến nghị của cử tri kỳ tiếp xúc trước. Cũng tại hội nghị tiếp xúc, các cử tri quận Hà Đông đã phát biểu nhiều kiến nghị liên quan đến hạ tầng giao thông, thủy lợi, tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm quyền lợi về đất đai…
 
Thay mặt tổ đại biểu, ĐBQH Nguyễn Kim Sơn tiếp thu toàn bộ ý kiến cử tri quận Hà Đông để tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Thông tin đến cử tri về việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết thực tế các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đang thiếu rất nhiều giáo viên. Nhắc lại vụ việc cô giáo Mai Thị Yến, công tác tại trường mầm non Đường Thượng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) tử nạn trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định điều này cho thấy khó khăn chồng chất đối với giáo viên cắm bản, công tác tại vùng sâu, vùng xa.
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định đây là vấn đề ngành giáo dục và địa phương tích cực tháo gỡ, không những bảo đảm đủ mà phải nâng cao chất lượng giáo viên để đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Giải pháp con em đồng bào dân tộc được đào tạo về sư phạm để quay về địa phương làm giáo viên được ngành giáo dục khuyến khích. Với hệ thống trường dân tộc nội trú, trường dự bị dân tộc bồi dưỡng cho con em đồng bào dân tộc đủ điều kiện thi vào đại học. Năm 2022 vừa qua, các địa phương đã đặt hàng 268 chỉ tiêu cử tuyển, tuy nhiên con số này còn khiêm tốn.
 
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận thực tế nhiều chỉ tiêu cử tuyển đi học nhưng không về quê hương công tác; một số trở về nhưng lại gặp vướng mắc khó khăn trong tuyển dụng. Việc phân bổ chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên là trách nhiệm của ngành nội vụ; thực tế các địa phương vừa tuyển dụng, vừa thực hiện tinh giản biên chế trong khi tại các địa phương miền núi có đến 80% công chức, viên chức là giáo viên.
 
"Thiếu chưa được bù nhưng lại tiếp tục phải cắt giảm khiến cho việc bố trí giáo viên tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn" - Người đứng đầu ngành GD-ĐT nói.
 
B.H.Thanh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu