Chủ nhật, 22/03/2020,16:03 (GMT+7)
Bước tiến trong xây dựng Chính phủ điện tử
Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) chính thức khai trương từ cuối năm 2019 với 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, sau hơn 3 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã tích hợp thêm 11 nhóm dịch vụ công, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), tính đến ngày 11-3, tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG là trên 13.000 hồ sơ, trong đó có 2 dịch vụ công có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn là Thông báo hoạt động khuyến mại (trên 9.200 hồ sơ) và Đổi giấy phép lái xe (gần 3.000 hồ sơ). Những con số trên cho thấy bước tiến rõ nét từ các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Đảng và Nhà nước.
Người dân có thể truy cập vào trang https://dichvucong.gov.vn để thực hiện thủ tục hành chính thuộc 19 nhóm dịch vụ công.
 
Tại hội nghị sơ kết 3 tháng vận hành Cổng DVCQG vào trung tuần tháng 3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc vận hành Cổng DVCQG không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí rất lớn, giảm biên chế, mà còn góp phần phòng chống tham nhũng nhờ hạn chế tiếp xúc giữa công chức và người làm thủ tục. Chẳng hạn, mỗi năm cả nước có khoảng 400.000 ô tô và hơn 1 triệu xe máy đăng ký mới, gần 800.000 doanh nghiệp nộp thuế... nếu được hiện đại hóa trên Cổng DVCQG thì sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân và doanh nghiệp.
 
Những thuận lợi từ Cổng DVCQG là vậy, nhưng theo ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa đồng bộ hồ sơ thủ tục hành chính lên cổng, thậm chí một số địa phương yêu cầu người dùng bổ sung hồ sơ hoặc hủy hồ sơ không nêu rõ lý do; còn một số đơn vị đã đồng bộ hồ sơ lên cổng thì chưa bố trí máy chủ bảo mật. Hơn nữa, với 19 nhóm dịch vụ công được vận hành, vẫn còn nhiều dịch vụ khác chưa được đưa lên Cổng DVCQG.
 
Vấn đề bảo đảm bí mật đời tư khi người dân đăng nhập vào Cổng DVCQG, đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ... cũng được Thủ tướng đặt vấn đề. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng ngành... Thủ tướng cho rằng phải có được số liệu cụ thể thì mới biết được nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt, mức độ hiệu quả ra sao của dịch vụ này. 
 
Tuy còn nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, Cổng DVCQG đã từng bước kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng, thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của Chính phủ. 
 
Q. THÁI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu