Thứ hai, 09/09/2019,09:09 (GMT+7)
Bứt phá từ các dự án khởi nghiệp về giáo dục
Những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang trở thành mảnh đất màu mỡ trong cộng đồng start-up Việt Nam

Trong ngày hội Vietnam Start-up Wheel 2019 vừa tổ chức tại TP HCM, có đến 15 dự án khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục tham gia gọi vốn đầu tư, cho thấy sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư vào thị trường không mới nhưng giàu tiềm năng này.

Các dự án EdTech start-up (khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục) đa dạng, phong phú, có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng, các dự án đã mang sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng, thương mại hóa các công nghệ tiên tiến phục vụ trong lĩnh vực giáo dục. Các dự án có nhiều cơ hội hơn nếu phát triển sản phẩm theo hướng tương tác thực tế ảo, giáo dục STEM, học trực tuyến, kết nối cộng đồng cùng học tập, dạy học online… tạo xu hướng học trực tuyến phát triển.

Bứt phá từ các dự án khởi nghiệp về giáo dục - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh quan tâm đến cách thể hiện bài tập dạng video của dự án Ngân hàng video giáo dục Trạng

Quán quân Start-up Wheel 2018 là dự án ứng dụng học tiếng Anh Cleverture đã rất thành công sau 1 năm khởi động với hơn 10.000 người sử dụng về nền tảng dạy tiếng Anh bằng video, người dùng có thể tự học tiếng Anh qua các bài giảng dạng video hoặc các video giải trí và sử dụng công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) vào ứng dụng để ghi âm lại phát âm của người dùng, chỉnh lỗi chính tả.

Hệ thống tự phân tích các từ khóa xuất hiện trong nội dung của video để sắp xếp những video này theo từng chủ đề, tạo thuận lợi cho người dùng. Phần lời trong những video này được chia thành từng câu đi kèm với phát âm giúp người dùng dễ theo dõi và luyện tập. Trong quá trình sử dụng, nếu không biết từ nào, người dùng chỉ cần chạm vào từ đó. Hệ thống sẽ cho biết nghĩa của từ đó… Clevertube tự động nhận diện các vật thể qua camera của điện thoại và cho biết tên vật thể đó trong tiếng Anh. Tính năng này cũng áp dụng được với bất kỳ từ tiếng Anh nào xuất hiện trong camera của điện thoại.

Trong khi đó, dự án Ngân hàng video giáo dục Trạng biến những bài học khó hiểu, những bài học có tính ứng dụng thực tiễn dựa theo nội dung sách giáo khoa thành video mô phỏng 2D và 3D để các em học sinh học tập dễ dàng hơn, dự án thực hiện trên nền tảng website giúp giáo viên, phụ huynh, học sinh có thể tạo một tài khoản và sử dụng hoặc tải các video trong ngân hàng.

Hay dự án Edubox dựa trên nền tảng giáo dục công nghệ kết nối gia sư và phụ huynh học sinh với nhau theo nhu cầu thực tế của hai bên. Với mục tiêu "tất cả vì tri thức Việt" các gia sư từ đội ngũ giáo viên đăng ký được kiểm duyệt khắt khe. Phụ huynh được lựa chọn khung giờ, mức lương (tối thiểu 130.000 đồng/buổi), yêu cầu trình độ của gia sư. Đồng thời, gia sư cũng có quyền lựa chọn phụ huynh phù hợp với năng lực, giá cả để ứng tuyển. Chỉ sau 3 tháng khởi động, dự án này đã thu hút sự tham gia của hơn 6.000 người sử dụng, mục tiêu của tháng tiếp theo là 10.000 người đăng ký.

Theo anh Nguyễn Hà Minh Thông, người sáng lập Social Revolution, các start-up giáo dục thất bại trong thời đại 4.0 hiện nay là do phần lớn phụ huynh và giáo viên chưa theo kịp sự đổi mới của công nghệ khiến cho sự tiếp nhận khá khó khăn. Tiếp cận giáo dục theo phương pháp thủ công truyền thống như đến trung tâm dạy thêm mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Anh Thông cho rằng mấu chốt thành công của Edubox do Social Revolution chính là sự bắt nhịp chính xác "cung - cầu" từ thị trường và giáo dục ở Việt Nam thực sự là thị trường màu mỡ nếu start-up có những kỹ năng về lập trình - kỹ thuật, nắm bắt nhanh nhạy tâm lý khách hàng cũng như xu thế và thói quen tiêu dùng của khách hàng. "Nếu có một cơ chế và hướng dẫn phù hợp, có lẽ những dự án khởi nghiệp giáo dục của người Việt Nam sẽ còn khởi sắc hơn nữa" - anh Minh Thông hy vọng. 

Bài và ảnh: Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu