Thứ ba, 13/10/2020,09:39 (GMT+7)
Cà Mau đẩy mạnh cải cách để phát triển
Cà Mau xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân...
 
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo CCHC hiệu quả phải kiện toàn về mặt con người.
 

Chỉ số hài lòng đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long

 

Thông tin trên được công bố chính thức tại Hội nghị “Tổng kết chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Cà Mau” vào sáng 12-10.

 

Là chủ trương xuyên suốt của Đảng trong quá trình đổi mới đất nước, công tác CCHC tại Cà Mau luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, huy động được sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, công tác CCHC tại Cà Mau đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; CCHC công và hiện đại hóa hành chính…

 

Trong giai đoạn 2011-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành 1.077 Quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, có 2.949 TTHC được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế; 3.436 TTHC mới được ban hành và 2.920 TTHC bị bãi bỏ, hủy bỏ. Đến nay, số TTHC đang thực hiện tại các cấp của tỉnh là 1.949. Hằng năm, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá và đơn giản hóa TTHC. Kết quả, đã có hơn 1.000 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định, với tỷ lệ cắt giảm từ 5% đến 83%.

 

Các cơ quan, đơn vị hành chính tỉnh Cà Mau cũng xúc tiến nhanh việc tiếp nhận và giải quyết các TTHC thông qua cơ chế một cửa và một cửa liên thông trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đã thực hiện đối với 17/18 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 9/9 đơn vị cấp huyện và 101/101 đơn vị cấp xã. Qua kiểm tra, rà soát của tỉnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các đơn vị từ tỉnh đến xã trung bình đạt từ 99,42% đến 99,98%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trung bình đạt đến 95%.

 

Cà Mau đẩy mạnh cải cách để phát triển -0
 Trung tâm CCHC tỉnh Cà Mau tiếp nhận và xử lý khoảng 70% hồ sơ giải quyết qua hệ thống Một cửa điện tử. 
 

Để đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ hành chính công ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua tinh gọn, sắp xếp, đến nay, Cà Mau chỉ còn 101 phòng, 11 tổ chức hành chính trực thuộc sở và tương đương, giảm 20 phòng và bảy tổ chức hành chính so với năm 2011; 624 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 62 đơn vị so với năm 2011. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên cũng tăng từ 26 lên 50. Trong năm 2020, biên chế mà Cà Mau được giao là 22.769. So với biên chế được giao năm 2011, biên chế hiện tại của tỉnh đã giảm được 1.534 (trong đó, biên chế công chức giảm 197, đạt 8,8%; biên chế viên chức giảm 1.337, đạt 6,06%). Hiện, việc thực hiện tinh giản biên chế tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện. Tính đến 1-9-2020, Cà Mau đã thực hiện tinh giản biên chế được 1.423/2.710 người, đạt tỷ lệ 52,51% so với kế hoạch đề ra.

 

Để bảo đảm khối lượng công việc lớn trong điều kiện nhân lực thu hẹp lại, thời gian qua, Cà Mau đã tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 1.790/1.870 công chức theo đúng đề án vị trí việc làm được phê duyệt, đạt 95,72%. Con số đó ở viên chức là 21.513/21.913, tỷ lệ đạt 98.18%. Qua đánh giá, phân loại từ năm 2011 đến 2019: Số lượng cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ từ mức trung bình đến xuất sắc chiếm tỷ lệ trên 99,3%/năm, số không hoàn thành nhiệm vụ trung bình chỉ 0,58%/năm.

 

Đội ngũ giúp việc bảo đảm về trình độ chuyên môn đã tạo điều kiện thuận lợi để Cà Mau hiện đại hóa hành chính công. Đến nay, toàn tỉnh đã có 473 cơ quan, đơn vị (bao gồm cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập) sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VIC); Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100% (không bao gồm văn bản mật); tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt 97% (trừ các văn bản mật, một số loại hồ sơ có kích thước lớn); tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua hệ thống Một cửa điện tử đạt 70%...

 

Theo đánh giá của đồng chí Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, những chuyển biến tích cực trong CCHC thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp Cà Mau thu hút thêm các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp ngày càng cải thiện đáng kể. Kết quả trên được thể hiện qua chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (theo Quyết định công bố số 876/QĐ/BNV, ngày 13-5-2020) đạt mức tới 91,57%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng đầu so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

 

Không để phiền hà dân

 

Tuy đạt được nhiều kết quả chung trong giai đoạn 2011-2020 nhưng theo đánh giá của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh Cà Mau, công tác CCHC của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng khi Chỉ số CCHC (xếp hạng 49/63), Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (xếp thứ 45/63) chưa được cải thiện nhiều. Theo bảng phân tích kết quả xác định chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh Cà Mau, các chỉ số như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động… vẫn còn một số tiêu cực và hạn chế nhất định.

 

Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu rõ tại hội nghị, do nguyên nhân cốt lõi từ “con người”. Đặc biệt là vai trò người đứng đầu các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong tỉnh chưa sâu sát trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh. “CCHC của chúng ta có cải thiện đó nhưng chúng ta chưa thể hài lòng. So với nhiều địa phương khác, chúng ta có đi đó nhưng người ta đang chạy, đôi lúc mình cũng chạy nhưng người ta chạy nhanh hơn” - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, trăn trở.

 

Xác định yếu tố con người là trung tâm trong CCHC nên ngoài các nhóm giải pháp đã được bàn luận và được UBND tỉnh đề ra theo sáu nhóm lĩnh vực CCHC, trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau tiếp tục yêu cầu lãnh đạo UBND, các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung lĩnh vực “xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

 

Trong chất lượng điều hành công việc, cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC, vì người đứng đầu là người chịu trách nhiệm lãnh đạo một cách toàn diện, hệ thống mọi hoạt động trong phạm vi quản lý. Người đứng đầu phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải bắt kịp các xu hướng phát triển, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để có sự thay đổi, chỉ đạo, điều hành cho phù hợp. Cần có sự nhận xét, đánh giá khách quan và cơ chế thưởng, phạt rõ ràng những cán bộ quản lý, người đứng đầu trong việc cải thiện chỉ số do ngành, đơn vị mình phụ trách.

 

Cà Mau đẩy mạnh cải cách để phát triển -0
 Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân thành tích xuất sắc trong CCHC giai đoạn 2011-2020.
 

Song hành với đó, cần tập trung nâng cao năng lực thực thi công vụ, lấy hiệu quả của CCHC làm tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, cán bộ, công chức hàng năm. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nhấn mạnh: “Mục tiêu sau cùng của CCHC nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Bởi hiệu quả, thành công của CCHC không chỉ dừng lại ở việc chuyển biến trên mặt thủ tục, giấy tờ, mà còn phải cải cách về con người, làm chuyển biến tích cực các cán bộ thực hiện các TTHC”.

 

Bên cạnh yếu tố con người, đồng chí Nguyễn Tiến Hải lưu ý, UBND, các ngành, các cấp trong tỉnh: Tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, xem đây là khâu đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Đây được xem là biện pháp quan trọng để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cùng với đó, cần tập trung, quyết liệt trong việc xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trực tuyến trên môi trường điện tử để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, từng bước nâng cao tỷ lệ giao dịch trực tuyến trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường tuyên truyền pháp luật để người dân đồng hành cùng cải cách, tạo ra tương tác hai chiều. HĐND tỉnh, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đồng hành cùng công tác điều của chính quyền, trong quá trình tham gia giám sát trong dân nếu có góp ý nào làm chưa tốt để chấn chỉnh cho phù hợp và ngày càng hoàn thiện.

 

Hữu Tùng - (nhandan.com.vn)

T/h: Ngọc Huyền - (dongbang.vn)

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu