Chủ nhật, 26/04/2020,08:14 (GMT+7)
Cà Mau xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số
Tiếp tục thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030; Hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại tỉnh Cà Mau.
 
Cà Mau xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. Nguồn: baocamau
 
Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số
 
Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
 
Theo Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau về kết quả thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong 2 năm 2018 và 2019, ngành đã tiến hành kiểm kê trên địa bàn 08 huyện, với 1010 phiếu kiểm kê. Trong đó có 4 di sản thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết, 13 di sản thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, 31 di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội, 11 di sản thuộc loại hình Lễ hội truyền thống.
 
Bên cạnh đó, đã kiểm kê 32 di sản văn hóa vật thể điển hình của dân tộc Hoa, Khmer. Về số lượng di sản và người thực hành di sản: Kết quả kiểm kê cho thấy trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 32 di tích của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 18 di tích của dân tộc thiểu số Khmer; 14 di tích của dân tộc Hoa.
 
Trong năm 2020, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục sưu tầm hiện vật về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số; Giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số tại Cà Mau và xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới hình thức xây dựng bộ lý lịch di sản và biên tập xuất bản phẩm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tra cứu, lưu trữ.
 
Phấn đấu đến năm 2030 hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân
 
Theo kế hoạch triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030, tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân; 100% học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh được đáp ứng nhu cầu đọc sách báo, tư liệu tại các thư viện cơ sở đào tạo và thư viện công cộng;  Từ 30% trở lên người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của hệ thống thư viện công cộng; 100% học sinh, sinh viên được hướng dẫn phương pháp đọc sách và trang bị kiến thức thông tin; 100% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có trang thiết bị hiện đại, được ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; Thư viện tỉnh được trang bị ô tô thư viện lưu động; 80% thư viện trong cấp học phổ thông đạt chuẩn thư viện trường phổ thông theo quy định; Bình quân đạt 01 bản sách, tài liệu/người dân trong hệ thống thư viện công cộng (bao gồm cả sách in và sách điện tử); Mức hưởng thụ sách, báo trên đầu người dân đạt 05 bản/người dân…
 
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, kế hoạch đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng giao lưu hợp tác.
 
Việc triển khai thực hiện Đề án nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
 
Hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang
 
Trên tinh thần Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Công văn số 1282/UBND-KGVX, giao Sở VHTTDL tham mưu chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Kết quả đã mang lại những tác động tích cực, góp phần không nhỏ trong hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, hình thành môi trường văn hóa vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
 
Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện "Hương ước, Quy ước" những năm qua ở ấp, khóm, khu dân cư trên địa bàn tỉnh (lồng ghép) với tuyên truyền thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đến nay có 910/949 ấp, khóm đã xây dựng Quy ước cộng đồng được chính quyền phê duyệt đạt 95,89%; nhờ có quy ước khu dân cư mà phong trào toàn dân tham gia tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm, trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, dân số kế hoạch hóa gia đình thực hiện khá tốt. Đại đa số nhân dân đều hiểu rõ và muốn xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang từ thành thị đến nông thôn. Vì vậy, hầu hết việc cưới, việc tang đều được thực hiện theo những quy ước cộng đồng, quy định mới, tổ chức theo hướng đơn giản nhưng trang nghiêm, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân./.
 
Thanh Thủy (toquoc.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu