Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị yêu cầu lắp camera gần cổng trường học để ghi hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh. Chỉ thị được ban hành trong bối cảnh tần suất các vụ tai nạn do học sinh vi phạm luật giao thông diễn ra ngày càng cao.
Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng
Theo số liệu của Cục CSGT - Bộ Công an, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh dưới 18 tuổi. Trong số này có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn là đi quá tốc độ, không đúng phần đường, làn đường, không chú ý quan sát, vượt xe không đúng quy định.
Số liệu trên đã minh chứng khá đầy đủ về tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông. Ở tuổi này các em học sinh chưa được học đầy đủ, bài bản về luật giao thông. Mặt khác, kinh nghiệm tham gia giao thông của các em còn thiếu. Quan trọng hơn, ở tuổi này các em còn ít ý thức được những hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều em học đòi, muốn điều khiển xe phân khối lớn trong khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.
CSGT TP HCM xử phạt học sinh vi phạm luật giao thông. Ảnh: Ý LINH
Trước các vụ tai nạn gây thương vong khá lớn, vào tháng 6-2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cũng đã ký công điện gửi lãnh đạo địa phương về việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Điển hình như vụ tai nạn giao thông tại huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) ngày 26-5 làm 3 học sinh tử vong. Một vụ tai nạn xảy ra tại TP Lào Cai ngày 19-5 cũng làm 3 học sinh tử vong...
Chỉ cần đến bất cứ trường THPT nào vào giờ tan trường cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều học sinh, kể cả nam và nữ, sử dụng xe trên 50 cc. Ở tuổi này các em chưa đủ điều kiện để học và thi lấy bằng lái xe. Thậm chí, nhiều nhóm học sinh còn rủ nhau đua xe, gây rối trật tự công cộng.
Trong hội nghị tổng kết công tác phòng chống đua xe ở Hà Nội vào tháng 6-2023, Công an thành phố đã thống kê có tới hơn 38% đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối trật tự công cộng là học sinh.
Nỗi đau từ gia đình
Không thể lý giải gì khác, lỗi học sinh sử dụng xe không đúng quy định phần lớn thuộc về gia đình. Đến giờ này thì ai cũng hiểu rằng giao chiếc xe máy trên 50 cc cho con là vi phạm nhưng vẫn còn rất nhiều người phớt lờ.
Ông Nguyễn Thanh Tư (ngụ phường 14, quận 4, TP HCM) kể: Khi con trai thi đậu vào lớp 10, gia đình hứa thưởng một chiếc xe máy. Ông mua một chiếc xe điện dưới 50 cc cho con đi học. Đến năm lớp 12, con trai nằng nặc đòi mẹ mua cho một chiếc xe Exciter 150 để "bằng bạn, bằng bè".
Chiều con, ông cũng không ngăn cản nên để vợ mua một chiếc xe theo ý con. Cuối năm học 12, sau một buổi sinh nhật bạn, con trai ông chạy xe từ Thủ Đức về gây tai nạn. Cháu bị gãy tay và mất một mắt, phải nghỉ học và gác lại ước mơ vào học viện hàng không.
"Đến bây giờ tôi vẫn không thể tha thứ được cho mình vì đã không kiên quyết ngăn chặn sở thích nông nổi của con. Tôi chỉ có một đứa con. Tương lai của cháu chắc chắn đã bị ảnh hưởng rất lớn từ vụ tai nạn này" - ông Tư đau xót.
Nhiều người khác, chỉ vì mềm lòng trước sở thích tốc độ của con mà đã mất con vĩnh viễn.
Bị truy tố vì giao xe, gây tai nạn
Ngày 27-10, VKSND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã ban hành cáo trạng truy tố Trần Hoàng Việt (ngụ TP Buôn Ma Thuột) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông".
Trước đó, Việt cho N.A.T (học sinh lớp 11 Trường THPT Chu Văn An) mượn xe máy để chở bạn đi học. Trên đường đến trường, xe máy do T. điều khiển gây tai nạn, làm một bé gái bị thương tật 97%. T. chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.