Thứ hai, 22/01/2024,18:15 (GMT+7)
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Ba hiện vật độc bản, phản ánh giá trị đặc sắc của nền nghệ thuật tôn giáo Champa trưng bày tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được công nhận bảo vật quốc gia.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định công nhận 29 bảo vật quốc gia, trong đó TP Đà Nẵng có 3 bảo vật.
 
Đầu tiên là bảo vật Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 có niên đại thế kỷ VII-VIII, xuất xứ từ Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đây là bức chạm khắc trang trí trên vòm cửa của tháp Mỹ Sơn E1, được đưa về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng năm 1935.
 
Nội dung bức chạm là một chủ đề quen thuộc trong thần thoại Ấn Độ, truyền thuyết về sự hình thành vũ trụ của người Ấn Độ cổ xưa.
 
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 1.
Hiện vật này có chất liệu sa thạch, đang được trưng bày tại phòng trưng bày Mỹ Sơn của Bảo tàng Chăm
 
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 2.
Trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, ở vị trí này thường là hình ảnh của nữ thần Laksmi – vợ của Visnu. Hai đầu bức phù điêu là hai chim thần Garuda mình người chân chim, hình tượng Garuda này rất phổ biến trong nghệ thuật Môn – Dvaravati ở Thái Lan.
 
Bảo vật thứ hai là Tượng thần Shiva Mỹ Sơn C1 có niên đại thế kỷ VIII, cùng xuất xứ Mỹ Sơn, bằng chất liệu sa thạch. Pho tượng được tìm thấy tại tháp C1 Mỹ Sơn vào năm 1903. Lúc này tác phẩm không còn nguyên vẹn. Đầu, hai cánh tay đưa ra phía trước và đôi chân từ đầu gối trở xuống bị gãy.
 
Nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier cho rằng đây là hình ảnh khất thực của thần Shiva. Cũng có giả thuyết cho rằng, người Chăm có tục thờ Thần - Vua nên đây là chân dung Thần - Vua được thờ cúng tại Mỹ Sơn.
 
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 3.
Đây là tác phẩm rất hiếm trong nghệ thuật điêu khắc Chăm ở niên đại cuối thế kỷ VIII
 
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 4.
Phần mặt của pho tượng bị hư hại
 
Bảo vật thứ 3 được công nhận là Phù điêu Apsara Trà Kiệu có niên đại: thế kỷ X, xuất xứ từ Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam. Phù điêu được đặt cùng các phù điêu đế tháp và tượng vũ công phía trên để tái hiện đài thờ vũ nữ Trà Kiệu.
Tác phẩm thể hiện hai vũ nữ Apsara trong tư thế múa, mặc váy mỏng, được nhận biết qua chiếc tà buông xuống giữa hai chân và thắt nơ ở sau lưng. Kế bên các vũ nữ là các nhạc công Gandharva đang chơi loại nhạc cụ dây tên là tuila. Tác phẩm được xem là kiệt tác trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 5.
Theo thần thoại Ấn Độ, các Apsara là những nàng tiên xinh đẹp trên thiên giới, được sinh ra từ cuộc Khuấy Biển Sữa giữa các vị thần.
 
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 6.
Còn Gandharva là những nhạc công tài ba, thường biểu diễn cùng các vũ nữ.
 
Cả 3 tác phẩm đều là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu về chủ đề và phong cách nghệ thuật, phản ánh được giá trị đặc sắc của nền nghệ thuật tôn giáo Champa qua nhiều giai đoạn lịch sử.
 
Từ việc công nhận 3 bảo vật này cho thấy Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã có những nỗ lực rất trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị hiện vật.
 
Cận cảnh 3 bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng- Ảnh 7.
Các hiện vật thu hút du khách tham quan tại Bảo tàng Chăm
 
Trước đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có 6 bảo vật quốc gia gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng Bồ Tát Tara; Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đồng Dương, Tượng thần Ganeshav và Tượng Gajasimha.
 
B.Vân
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu