Thứ sáu, 24/02/2023,17:12 (GMT+7)
Cạn kiệt vật tư, hoá chất, 2 bệnh viện lớn đồng loạt “kêu” Bộ Y tế
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức gọi tình trạng thiếu vật tư y tế là "cấp cứu của cấp cứu", trong khi lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Bộ Y tế khẩn cấp tháo gỡ những khó khăn về tài chính cho bệnh viện
 
Sáng 23-2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Ngành y vượt khó" nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại gây khó khăn trong công tác khám chữa bệnh.
 
Tại đây, GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết.
 
Cạn kiện vật tư, hoá chất, 2 bệnh viện lớn đồng loạt kêu Bộ Y tế - Ảnh 1.
Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các bệnh viện tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP
 
"Nhiều hóa chất, vật tư phục vụ cho những xét nghiệm đơn giản như công thức máu tại bệnh viện đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa. Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", cần được tháo gỡ ngay lập tức.
 
Nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động"- ông Giang nói.
 
Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện khác như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM cũng có rất nhiều khó khăn để bảo đảm cung ứng được các điều kiện phục vụ người bệnh.
 
Ngoài ra, nhiều vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong 1 tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.
 
Theo GS Giang, nguyên nhân của tình trạng này là đa số hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.
 
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.
 
Cạn kiện vật tư, hoá chất, 2 bệnh viện lớn đồng loạt kêu Bộ Y tế - Ảnh 2.
Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai,mong muốn sớm được tháo gỡ những vướng mắc về tài chính
 
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện, cho biết thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, thiết bị y tế... là thực tế vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Nhiều đề án liên doanh liên kết của bệnh viện vướng vào pháp lý, làm các đề án này dừng lại. Bệnh viện đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Hiện nay, toàn bộ bệnh viện thu giá viện phí bằng giá của BHYT. Trong khi đó, giá của BHYT đã ban hành từ rất lâu, nhiều giá dịch vụ kỹ thuật lỗi thời, giá vật tư, thiết bị tăng rất nhiều...
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai lấy ví dụ với giá siêu âm ổ bụng, hiện giá thực tế là 110.000, 150.000 đồng/lần siêu âm thì bệnh viện chỉ thu chưa đến 50.000 đồng. Dù bệnh nhân đến bệnh viện rất đông nhưng chênh lệch thu chi không đủ nên đãi ngộ với nhân viên y tế rất thấp. Do đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn Bộ Y tế sớm tháo gỡ cho bệnh viện.
 
Ngoài ra, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết đơn vị này đang đối mặt với những khó khăn về tài chính, thậm chí đã phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua để chi tiêu. Theo ông Cơ, 3 năm gần đây, bệnh viện không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị, các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được duy tu, bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người khám. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày.
 
Trước thực trạng này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người bệnh.
 
Cạn kiện vật tư, hoá chất, 2 bệnh viện lớn đồng loạt kêu Bộ Y tế - Ảnh 3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên
 
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua, ngành y tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài nguy cơ bùng phát, lây lan của các dịch bệnh thì hệ thống thể chế liên quan lĩnh vực y tế còn những bất cập, nhất là liên quan mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, tài sản công.
 
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để. Đáng nói là chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù ngành, áp lực với công việc rất lớn.
 
Để tháo gỡ cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định, đặc biệt trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện.
 
Bộ cũng đang dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến vấn đề máy móc liên doanh liên kết tại các cơ sở y tế.
 
N.Dung (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu