Học sinh thiệt thòi nếu chọn sách thiếu công bằng
"Họ có thực sự đóng góp cho cuốn sách không hay chỉ là ký nhận lương để ủng hộ, lựa chọn cuốn sách đó cho khu vực TP HCM và miền Nam?" - ông Tiến đặt câu hỏi. Ông cũng thẳng thắn cho rằng không có quy định nào cho phép lãnh đạo sở nhận tiền thù lao hằng tháng như thế. "Rõ ràng khi họ đã nhận tiền thù lao hằng tháng thì họ không thể lựa chọn bộ sách khác, dù bộ đó có thể hay hơn, tốt hơn. Vì như thế là "há miệng mắc quai". Trong hoàn cảnh này, học sinh sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất, vì không được học bộ sách tốt nhất mà phải học bộ sách đã được lựa chọn trên cơ sở "nhận thù lao". Việc nhận tiền của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM có thể gián tiếp làm hại học sinh" - ông Tiến nêu.
Học sinh lớp 1 sẽ được thay sách giáo khoa trong năm học tớiẢnh: TẤN THẠNH
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy người có chức vụ, quyền hạn không được tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Theo một chuyên gia giáo dục, đến năm 2018, Bộ GD-ĐT chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Rõ ràng, có chương trình thì mới bắt đầu viết sách. Nếu chương trình chưa công bố thì không có căn cứ để viết sách cũng như thành lập Ban Biên soạn SGK. Thế nhưng, NXB GDVN đã chi thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM từ năm 2015. "Rõ ràng ở đây có điều bất hợp lý" - chuyên gia này phân tích.
Sao đủ chuyên môn tham gia hội đồng?
Bộ GD-ĐT cho biết dự thảo Thông tư hướng dẫn chọn SGK quy định: "Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia vào Hội đồng lựa chọn SGK". Cả đại diện của NXB GDVN và Sở GD-ĐT TP HCM đều cho rằng theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, các cơ sở giáo dục được quyền chọn sách. Vì thế, việc lựa chọn SGK trong thời gian tới không bị ảnh hưởng bởi việc nhận thù lao và bộ SGK do Sở GD-ĐT TP HCM phối hợp biên soạn cũng được các trường tại TP HCM lựa chọn công bằng với các bộ SGK khác.
Một chuyên gia phân tích, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đã giao cho cơ sở giáo dục lựa chọn sách, còn Luật Giáo dục giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn. Tuy nhiên, dù thẩm quyền chọn sách có thuộc về đơn vị nào thì cũng có vai trò của Sở GD-ĐT. Nếu UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, Sở GD-ĐT TP HCM có vai trò tham mưu. Các cơ sở giáo dục có thể sẽ chịu tác động của cơ quan quản lý nhà nước, không dám làm trái ý.
Còn theo Luật Giáo dục mới, UBND các tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa (SGK) được sử dụng trong năm học 2020-2021. Nếu địa phương đứng ra chọn sách thì cũng dựa trên ý kiến đề xuất từ cơ quan chuyên môn là Sở GD-ĐT. Nếu Sở GD-ĐT có quyền chọn SGK sau khi nhận thù lao hằng tháng của NXB GDVN suốt nhiều năm qua thì sẽ không công bằng.
Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng nếu theo dự thảo thông tư quy định chọn SGK mà Bộ GD-ĐT mới công bố, người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia hội đồng. Thực hiện quy định này thì hàng chục lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT TP HCM từng nhận thù lao của NXB GDVN để tham gia biên soạn SGK sẽ không được tham gia hội đồng. Như vậy, Sở GD-ĐT TP HCM đủ nhân sự có chuyên môn để tham gia hội đồng hay không? Nếu không đủ người có chuyên môn thì việc chọn SGK của TP HCM sẽ như thế nào?
Ai phải chịu trách nhiệm?
Liên quan đến việc NXB GDVN trả thù lao hằng tháng cho nhân viên và lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay theo Luật Xuất bản, việc liên kết với tổ chức, cá nhân trong hoạt động xuất bản quy định trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) NXB. Vì vậy, tổng giám đốc (giám đốc) NXB phải chịu trách nhiệm về đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm (ở đây là SGK). Trách nhiệm của đối tác (cá nhân, tổ chức) liên kết xuất bản với NXB đã được quy định trong Luật Xuất bản và các quy định có liên quan của pháp luật.
Tuy nhiên, điều 18 Luật Xuất bản mà Bộ GD-ĐT dẫn ra quy định trách nhiệm, quyền hạn của tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập NXB chứ không phải quy định trách nhiệm của chủ tịch hội đồng thành viên. Trong khi đó, ký chi tiền cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM là ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch hội đồng thành viên. Như vậy, dẫn luật quy định trách nhiệm tổng giám đốc là không đúng. "Không biết Bộ GD-ĐT có nhầm lẫn gì ở đây không. Nếu ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch hội đồng thành viên, là người ký chi tiền thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Chủ tịch hội đồng thành viên hay tổng giám đốc NXB?" - một chuyên gia đặt câu hỏi.