Thứ sáu, 08/11/2019,14:33 (GMT+7)
Cần liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi để đầu ra sản phẩm ổn định
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các sản phẩm của nông dân sản xuất luôn có sự cạnh tranh giữa các mặt hàng cùng loại trong nước và nhập khẩu. Chính vì vậy, ngoài chất lượng sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc liên kết sản xuất cũng như kết nối cùng doanh nghiệp cung ứng ra thị trường là một trong những khâu then chốt, giúp các sản phẩm có đầu ra ổn định, đảm bảo thu nhập cho người sản xuất và quảng bá được mặt hàng đặc trưng của địa phương, vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng.

Hiệu quả liên kết…

Ông Trần Quang Cần - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) chia sẻ: “HTX thành lập đi vào hoạt động đã tạo được sự gắn kết giữa các hộ dân về sản xuất thủy sản thành “tổ hợp” sản xuất, nâng số lượng và chất lượng hàng hóa sau thu hoạch. Đặc biệt, khi là HTX, thành viên nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các ban ngành, đoàn thể tỉnh đến huyện, xã về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trong và ngoài tỉnh về con tôm nuôi nước lợ, sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng như tôm khô một gió cũng như được hỗ trợ làm các chứng nhận ASC và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho con tôm nuôi của HTX. Nhờ đó, thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể bởi doanh nghiệp thu mua giá cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg và hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha/năm cho HTX”.

Cũng theo thông tin từ ông Cần, riêng với thành viên tham gia, HTX giảm chi phí đầu tư con giống 10 đồng/con, giá thức ăn giảm 6.000 đồng/kg so đại lý lân cận, thuốc thú y thủy sản giảm từ 30% đến 35% do HTX mua trực tiếp các loại thuốc, thức ăn tại các công ty sản xuất để cung ứng đến thành viên…

Giám đốc HTX Nông nghiệp Trinh Phú Hồ Văn Hội, xã Trinh Phú (Kế Sách) cho biết: “Nếu như không có sự giúp sức của các cấp chính quyền gắn kết hộ dân trồng cây vú sữa tím kết nối nhau cùng sản xuất tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, cũng như hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP chắc có lẽ giờ đây bà con nông dân vẫn còn cảnh lo lắng mỗi khi tới mùa thu hoạch vú sữa. Bởi trái cây phụ thuộc chủ yếu vào giá thị trường, có năm giá trái cây xuống thấp, lợi nhuận ít, nhưng khi thành lập HTX được ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được doanh nghiệp thu mua vú sữa tím xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, thành viên HTX đã có thu nhập khá”.

Vú sữa tím là mặt hàng xuất khẩu đầu tiên của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Thúy Liễu

 “Ngoài số lượng vú sữa tím phục vụ thị trường xuất khẩu, HTX còn được một số doanh nghiệp thu mua vú sữa cung cấp tại các cửa hàng cao cấp và siêu thị. Lợi ích của việc liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm đầu ra rất quan trọng đối với việc sản xuất của nông dân. Do đó, hộ dân nếu đã tham gia HTX cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật do ngành chuyên môn khuyến cáo để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, giữ chữ tín cho hộ và cho cả HTX thành viên tham gia…” - ông Hội thông tin thêm.

HTX cần chủ động kết nối doanh nghiệp…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Vân thông tin: “Sóc Trăng có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa. Với cây lúa, hàng năm lúa đặc sản chiếm diện tích 50% diện tích gieo trồng; về cây ăn trái có nhiều loại trái cây đặc sản đáp ứng thị trường xuất khẩu như: vú sữa, bưởi da xanh, bưởi năm roi, xoài cát chu, nhãn… Riêng thủy sản có tôm nuôi nước lợ (tôm thẻ chân trắng, tôm sú), artemia, cá chẽm, cá bông lau… Với đa dạng sản phẩm nông, lâm sản, thủy sản như trên, ngành nông nghiệp đã xúc tiến quảng bá xây dựng thương hiệu nhãn hiệu cho các sản phẩm thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm để giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng về sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ cấp các chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho một số tổ hợp tác, hợp tác xã và hỗ trợ kết nối các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các tổ hợp tác, HTX để đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất…”.

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng nhận định: “Sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay gặp rất nhiều áp lực về biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong, ngoài tỉnh và nhập khẩu. Đặc biệt, đối với việc xuất khẩu sản phẩm phải tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác do ngành chuyên môn khuyến cáo và doanh nghiệp yêu cầu để đảm bảo trái cây đạt chất lượng khi đưa vào thị trường nhập khẩu. Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp họ tìm kiếm thị trường tiêu thụ đã rất khó, vì vậy, phía nông dân khi được doanh nghiệp kết nối phải hết sức quan tâm đến yếu tố sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn, đáp ứng đủ tiêu chí của quốc gia nhập khẩu. Bên cạnh đó, HTX phải có tư duy kinh doanh và muốn bán được sản phẩm cần đưa ra loại sản phẩm cần kết nối đến doanh nghiệp và có các kỹ năng giới thiệu sản phẩm thật tốt để doanh nghiệp chú ý đến sản phẩm họ cần kết nối…”.

Thúy Liễu - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu