Cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất lây cho nhân viên y tế
Ngày 20-3, Bộ Y tế cho biết đã có hai nhân viên y tế đầu tiên là điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19. Một nhân viên điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai và một điều dưỡng làm việc tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Họ là những cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ tiếp đón, sàng lọc bệnh nhân có triệu chứng ho, cảm, sốt trong thời gian qua.
Các chuyên gia cho rằng, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện tại ở nước ta, nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ lớn lây bệnh. Hằng ngày, các bệnh viện đang phải thực hiện khám sàng lọc cho nhiều người nhiễm hoặc nghi nhiễm, do vậy nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao nếu không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm.
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp cả ở thế giới và Việt Nam. Có điều, chúng ta phải làm sao giữ cho dịch được kiểm soát, không để bị bùng lên. Với các nhân viên y tế, họ phải đối mặt với nguy cơ do phải tiếp đón, khám sàng lọc cho nhiều người dân vào viện khám. Do đó, nguy cơ với nhân viên y tế là hiện hữu. Với kịch bản mà số ca mắc nhiều hơn thì chắc chắn nhân viên y tế cũng không thể nào tránh được.
Do đó, ông Phu nhấn mạnh, chúng ta phải tích cực phòng hơn nữa để nhân viên y tế không bị lây bệnh. "Tại Trung Quốc, có tới hàng nghìn nhân viên y tế mắc Covid-19, chúng ta cũng không thể tránh mà chỉ hạn chế đến mức thấp nhất, không để con số đó trở nên nhiều hơn", ông Phu cho hay.
Theo con số cập nhất mới nhất của Bộ Y tế, đến nay Chương trình toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 đã thu được 27 tỷ đồng. Đây là sự ủng hộ rất lớn cho công tác phòng, chống dịch đang phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp của Việt Nam hiện nay. Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để tiếp thêm sức mạnh cho các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã có công văn gửi các đơn vị cần phải tăng cường phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên y tế bằng các biện pháp như: phải bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế; Thực hiện tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh theo quy định; Tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 của nhân viên y tế.
Cố gắng khống chế tốt tránh lây lan trong cộng đồng
Theo các chuyên gia, sự khác biệt của dịch bệnh nước ta ở giai đoạn hiện nay là những ca mắc bệnh nhiều, trong đó bao gồm cả ca bệnh xâm nhập lẫn những ca lây ra cộng đồng. Số ca tăng vì số lượng được xét nghiệm nhiều, đặc biệt đối là những người trở về nước từ các quốc gia khác.
PTS, TS Trần Đắc Phu phân tích, thế giới đang bùng phát dịch. Việt Nam cũng xác định phải đối mặt với tình huống hơn 10 nghìn ca mắc và chúng ta cũng đã dự trù các phương án này. Điều mà Việt Nam đang nỗ lực là làm chậm, ngăn để dịch không bùng lên mạnh mẽ như Trung Quốc, Hàn Quốc hay châu Âu. Bởi vì, nếu để bùng dịch, sẽ gây ra gánh nặng y tế, Việt Nam sẽ khó đáp ứng được điều trị nếu số ca mắc lớn và những người có bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, ung thư... sẽ phải đối mặt với tử vong.
Các chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh, tại những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có những thay đổi về phòng, chống dịch như khoanh vùng khu trú hơn, nhận định lên danh sách cách ly tốt hơn, công nghệ thông tin tốt... nhưng nguy cơ vẫn là rất lớn.
Do đó, hiện nay, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đang thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt hơn. Trong đó, bên cạnh việc tiến hành xét nghiệm sớm, cách ly, khoanh vùng để kiểm soát dịch bệnh thì chúng ta cũng đang có các biện pháp khác như cấm tụ tập nơi đông người, khai báo y tế, vận động cách ly, tuyên truyền cho người dân về cách phòng bệnh như thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang nơi công cộng...