Thứ sáu, 22/01/2021,06:35 (GMT+7)
Cảnh báo chất lượng đào tạo y dược
Các trường ngoài công lập đua nhau mở ngành đào tạo sức khỏe khiến dư luận lo lắng vì đây là ngành nghề đặc biệt, quyết định trực tiếp đến tính mạng con người
 
Hàng loạt trường ngoài công lập liên tiếp công bố mở mới các ngành đào tạo liên quan đến khối sức khỏe.
 
Rà soát tất cả các trường đào tạo ngành y
 
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở tới 8 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe gồm y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu và quản lý bệnh viện. Trường ĐH Hoa Sen cũng thông báo dự kiến mở 4 ngành mới liên quan đến lĩnh vực sức khỏe là răng hàm mặt, dược, kỹ thuật y sinh và quản lý bệnh viện. Bên cạnh ngành dược học, Trường ĐH Công nghệ TP HCM dự kiến tuyển sinh thêm ngành kỹ thuật xét nghiệm y học và điều dưỡng. Cũng trong năm nay, Trường ĐH Văn Lang dự kiến mở thêm 2 ngành mới ở khối sức khỏe là y đa khoa, y học cổ truyền. Trường này đang đào tạo 4 ngành sức khỏe là răng hàm mặt, điều dưỡng, dược học và kỹ thuật xét nghiệm y học.
 
Cảnh báo chất lượng đào tạo y dược - Ảnh 1.
Thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh vào một trường y dược
 
Nhiều trường ngoài công lập trên cả nước cũng đang mở các ngành liên quan đến khối sức khỏe như Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Tây Đô, Trường ĐH Nam Cần Thơ...
 
Việc các trường ngoài công lập đua nhau mở các ngành đào tạo khối sức khỏe khiến dư luận lo lắng về chất lượng đào tạo. Phản hồi những lo lắng này, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), cho biết đơn vị đang nghiên cứu về việc quản lý chất lượng đào tạo ngành y của các trường mở mới. Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo đang cho kiểm tra, rà soát lại tất cả các trường có mở ngành y và thực tế cho thấy một số trường không bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất. Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc xem xét điều kiện mở mã ngành của khối sức khỏe.
 
Thực tế, để đào tạo bác sĩ, Trường ĐH Y Hà Nội phải có tới 43 bộ môn nhưng quy định của Bộ GD-ĐT hiện nay chỉ cần một tiến sĩ và 5 thạc sĩ thì có thể mở được một mã ngành, điều đó khó đáp ứng được đào tạo ngành y. Chính vì thế, ông Tác khuyến cáo các trường khi đã mở ngành mới phải bảo đảm chất lượng. Thời gian tới, Hội đồng Y khoa quốc gia sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu ra theo năng lực và cấp chứng chỉ nghề quốc gia. Sinh viên ngành y tốt nghiệp nhưng không đạt các tiêu chuẩn thì không được cấp chứng chỉ nghề, đồng nghĩa với việc không được khám chữa bệnh.
 
Đủ điều kiện thì được mở ngành!?
 
Trả lời về việc các trường tư thục "trăm hoa đua nở" mở ngành đào tạo sức khỏe, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng việc mở ngành nói chung cũng như đào tạo khối ngành sức khỏe là nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của khối ngành quan trọng này trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của đất nước. Do vậy, việc các cơ sở giáo dục ĐH mở các ngành và tổ chức đào tạo là nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cấp thiết cho thị trường lao động.
 
Cũng theo Vụ Giáo dục ĐH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định "các loại hình cơ sở giáo dục ĐH bình đẳng trước pháp luật". Do đó, nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền bình đẳng trong mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
 
Tuy nhiên, để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng. "Riêng với khối ngành sức khỏe, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định trong Thông tư số 22/20217/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe phải tuân thủ những quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành. Tất cả hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục ĐH đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP..." - Vụ Giáo dục ĐH thông tin.
 
Vụ này cho biết thêm khối ngành sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 đã quy định Bộ GD-ĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế. Tất cả hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.
 
Bộ GD-ĐT cho biết hằng năm đều thường xuyên thanh - kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, bảo đảm chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo. Với những ngành không bảo đảm điều kiện bảo đảm chất lượng, duy trì ngành đã mở sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh. 
 
Không nên mở tràn lan
 
GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đồng tình với ý kiến không nên mở ngành đào tạo khoa học sức khỏe tràn lan. Ông Tú cho rằng nếu chất lượng đào tạo không bảo đảm thì hậu quả đối với hệ thống y tế sẽ rất lớn và kéo dài. Không chỉ vậy, đào tạo tràn lan còn gây mất cân đối ngành nghề, thừa nhân lực khi thiếu vị trí việc làm, tác động tiêu cực tới đào tạo chất lượng.
 
Bài và ảnh: Yến Anh - (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu