Chủ nhật, 02/04/2023,18:22 (GMT+7)
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thi công thế nào?
Đối với dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, các nhà thầu đang triển khai 9 mũi thi công với 220 nhân lực và 63 đầu xe máy thiết bị,...
 
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang thi công ra sao? - Ảnh 1.
Máy móc thi công tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
 
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư), tính đến nay, hai đoạn tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau đã được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng được khoảng 80%. 
 
Tuy nhiên, một số đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng còn tình trạng xôi đỗ, hoặc vướng nhà cửa, vật kiến trúc tại các vị trí tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ hiện hữu và các kênh rạch nên việc tiếp cận mặt bằng thi công gặp nhiều khó khăn, một số đoạn có mặt bằng sach nhưng không tiếp cận được để thi công.
 
Về tình hình triển khai thi công, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đối với dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, các nhà thầu đang triển khai 9 mũi thi công với 220 nhân lực và 63 đầu xe máy thiết bị. Phần đường đang triển khai đào hữu cơ (65.000 m3), trải vải địa (92.000m2) và đắp cát nền (23.000 m3). Phần cầu đang triển khai đóng cọc D600 (300md), sản xuất cọc D600 (4.000md) và lắp đặt trạm bê tông xi măng (02 trạm).
 
Đối với  dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau đang triển khai 32 mũi thi công với 299 nhân lực và 91 đầu xe máy thiết bị. Các nhà thầu đang thi công phần đường gồm: Đào hữu cơ (425.000 m3), trải vải địa (50.000m2) và đắp cát nền (20.000 m3). Phần cầu đang sản xuất cọc D600 (1.000md) và lắp đặt trạm bê tông xi măng (02 trạm).
 
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang thi công ra sao? - Ảnh 2.
Công tác bơm cát vào công trình được các nhà thầu triển khai liên tục tại dự án
 
Về công tác giải ngân, dự án Cần Thơ - Hậu Giang đã giải ngân 1.213/2.802 tỷ đồng (43%) gồm: GPMB (505/986 tỷ đồng), tạm ứng xây lắp (680/1.718 tỷ đồng). Dự án Hậu Giang- Cà Mau đã giải ngân 1.365/4.377 tỷ đồng gồm: GPMB (242/893 tỷ đồng), tạm ứng xây lắp (1.186/3.389 tỷ đồng).
 
Liên quan đến nguồn vật liệu phụ vụ thi công, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, hiện nay, các địa phương mới dự kiến cấp cho dự án 3/18,5 triệu m3 (đạt 16%), nguồn vật liệu còn lại chưa xác định được nguồn. Thủ tục cấp mỏ mới dự kiến mất nhiều thời gian (4 - 6 tháng), do đó ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đồng thời, công tác xây dựng các khu tái định cư còn chậm, không đảm bảo kịp bàn giao cho các hộ dân có nhu cầu, do đó quá trình bàn giao mặt bằng cho dự án trong quý II/2023 gặp khó. 
 
Trên cơ sở đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vật liệu cát cho dự án. Các địa phương cần hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu xây lắp hoàn thiện các thủ tục mở mỏ mới để có thể khai thác, cung cấp đủ khối lượng phục vụ thi công như đề xuất của Bộ GTVT.
 
"Trước mắt, khi chưa hoàn tất các thủ tục khai thác các mỏ mới, kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan của địa phương thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác để có thể cung cấp ngay cho dự án trong tháng 3/2023. Về công tác GPMB, đối với các đoạn chưa bàn giao mặt bằng (20km): đề nghị các địa phương sớm hoàn thiện phê duyệt phương án bồi thường để chi trả trong tháng 3/2023, bàn giao cho nhà thầu thi công", Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị.
 
Mỹ Lệ (tapchigiaothong.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu