Chủ nhật, 03/07/2022,10:38 (GMT+7)
Cấp bách giải quyết tình trạng thiếu thuốc
Chợ Rẫy - bệnh viện lớn nhất phía Nam - vừa thông báo lượng thuốc, hóa chất của bệnh viện hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu khám chữa bệnh.
 
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết không chỉ một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng cho điều trị chuyên sâu, bệnh viện còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến. Nguyên nhân là do không có nhà cung cấp hoặc do kế hoạch đấu thầu lại căn cứ vào nhu cầu của năm 2021, trong khi thời gian này dịch Covid-19 đang diễn ra, những loại thuốc này ít được sử dụng. Mặt khác, thời gian qua có nhiều vụ việc xảy ra trong ngành y tế khiến người phụ trách đấu thầu có tâm lý e ngại, sợ làm sai, liên đới trách nhiệm. Điều này khiến cho quá trình đấu thầu của các bệnh viện chậm triển khai.
 
Theo PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong nhiều nguyên nhân chuyển tuyến có cả nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị ở tuyến dưới. "Stent trong phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy dự trù sử dụng trong 6 tháng nhưng nay chỉ đủ dùng trong 2 tháng; bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên rất đông" - BS Thảo dẫn chứng.
 
Cấp bách giải quyết tình trạng thiếu thuốc - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào chiều 30-6 (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
 
Trong khi đó, quy trình đấu thầu, gồm lập dự toán, kế hoạch, thẩm định, thực hiện đấu thầu thì khâu thẩm định giá là khó nhất. Trước đây, khâu này thuộc Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 giao cho các đơn vị tự chủ động. Do mới thực hiện quy định này, nhiều đơn vị chưa quen, cộng với tâm lý sợ sai sót nên việc lập giá kế hoạch, thẩm định giá bị "đẩy qua, đẩy lại".
 
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 30-6, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, cho phép tất cả các hợp đồng đấu thầu rộng rãi và đã trúng thầu trước đây có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Thứ hai, cần xác định cụ thể thế nào là "tình huống cấp bách" cho phép chỉ định thầu được nêu trong Luật Đấu thầu. "Nếu không có định nghĩa cụ thể, khi kiểm tra bệnh viện rất khó lý giải, chưa kể bị quy kết "cố tình đẩy vào tình huống cấp bách" để chỉ định thầu" - BS Thức lo ngại.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng trong tình huống cấp bách này, cơ bản tán thành việc cho phép kéo dài hợp đồng trúng thầu trước đó thêm 6 tháng. Còn việc xác định đâu là "tình huống cấp bách", riêng Bộ Y tế không thể giải quyết mà cần phải bàn với Bộ Tài chính.
 
Trước tình trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải có những giải pháp dứt khoát để có thuốc cho người dân. Bộ Y tế cần có văn bản tháo gỡ ngay một số vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như điều chỉnh kế hoạch mua sắm theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch Covid-19, xây dựng giá kế hoạch, làm rõ khái niệm giá thị trường, tra cứu thông tin đấu thầu... Bên cạnh các giải pháp có tính căn cơ lâu dài, vấn đề cấp bách mà các bệnh viện phải làm là phải có đề xuất thật cụ thể, chi tiết. Một số điều chưa rõ nhưng không trái với các thông tư, nghị định cần đề xuất sửa đổi, tránh để tâm lý suy diễn do sợ nên không làm.
 
Nguyễn Thạnh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu