Đồng thời, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tiếp nhận hơn 220 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Các phản ánh, kiến nghị tập trung vào một số nội dung như vướng mắc trong thực hiện thanh toán gia hạn trực tuyến thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động do đại dịch Covid-19. Từ đó, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết kịp thời, đúng hạn, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tiếp nhận, giải quyết cấp lại 2.277 thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng DVC Quốc gia; tiếp nhận thanh toán trực tuyến qua Cổng DVC Quốc gia, thực hiện gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình (2.533 trường hợp), đóng tiếp BHXH tự nguyện (796 trường hợp) và đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN (69 trường hợp) trên Cổng DVC Quốc gia. Với đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19, tiếp nhận, xử lý 899 hồ sơ.
BHXH Việt Nam đã kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến, qua đó kết nối, tích hợp thành công ba dịch vụ thanh toán trực tuyến quốc gia: Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; Đóng tiếp BHXH tự nguyện; Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Tính đến nay, đã có 3.398 lượt thanh toán thành công.
Tuy vậy, vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể như, quy trình thanh toán trực tuyến “Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN” (dành cho đơn vị sử dụng lao động) được xây dựng tương tự như quy trình thanh toán trực tuyến “Đóng tiếp BHXH tự nguyện” (dành cho cá nhân), nên trong quá trình thực hiện còn có vướng mắc.
Để thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến “Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN”, tại giao diện của ngân hàng/trung gian thanh toán phải sử dụng tài khoản của Giám đốc (chủ tài khoản) doanh nghiệp để đăng nhập và thực hiện giao dịch, hoặc Giám đốc phải thực hiện thủ tục ủy quyền cho kế toán viên thì mới thực hiện thanh toán được. Hiện nay, mới chỉ có một số ngân hàng hỗ trợ ủy quyền thanh toán DVC trên giao diện internet banking/mobile banking.