Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đưa vào vận hành thương mại, với 3 nhà ga ngầm ở khu trung tâm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son. Nhiều tòa cao ốc tận dụng không gian ngầm để đỗ xe, kết hợp trung tâm thương mại... Nhu cầu sử dụng không gian ngầm ngày càng nhiều nên cần cơ sở pháp lý để thực hiện.
Tận dụng không gian ngầm theo dự án
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, đến nay hầu hết đồ án quy hoạch (từ quy hoạch phân khu đến chi tiết) đều chưa cập nhật đến nội dung quy hoạch không gian ngầm theo quy định. Trong khi thực trạng phát triển đô thị hiện nay, các dự án, công trình tọa lạc tại các vị trí đắc địa, có giá trị sử dụng đất cao tại khu trung tâm phần lớn đều được xây dựng kiên cố, hiện đại, có hầm hoặc công trình ngầm liên quan.
Đối với khu vực nội thành phát triển cũng có không ít công trình, dự án tận dụng không gian ngầm, đặc biệt là dự án khu đô thị phức hợp. Càng đi xa về phía ngoại thành thì việc sử dụng không gian ngầm vào các công trình dân dụng giảm dần do hiệu quả kinh tế không đạt yêu cầu như khu trung tâm.
Khu trung tâm TP HCM với mật độ xây dựng cao cần không gian ngầm kết nối với TP Thủ Đức Ảnh: QUỐC ANH
Khu vực trung tâm thành phố rộng 930 ha có nhiều công trình cao ốc, nhà cao tầng và cũng là khu vực có giá trị sử dụng đất rất cao. Nhu cầu xây dựng ngầm đang ngày càng tăng tỉ lệ thuận với sự gia tăng giá trị sử dụng đất và sự khan hiếm diện tích mặt đất để bố trí xây dựng công trình. Các dự án bãi xe ngầm công cộng đều triển khai chậm do vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý và thiếu kinh phí. Vì vậy, việc quy hoạch xây dựng không gian ngầm tại TP HCM là nhu cầu rất cấp thiết nhằm định hướng đầu tư xây dựng và bảo đảm tầm nhìn lâu dài, khai thác hiệu quả không gian trong tương lai.
Trong báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, liên danh tư vấn đề xuất hàng loạt vị trí tiềm năng khai thác không gian ngầm, từ trung tâm thành phố cho đến rải rác ở các quận.
Theo đó, báo cáo cho biết tuyến metro số 1, số 2 đi ngầm qua trục đường Lê Lợi, Hàm Nghi nên cần xác định vị trí công trình ngầm kết hợp với tuyến metro. Tuyến đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Công viên 23 Tháng 9, Công trường Mê Linh và tuyến đường Tôn Đức Thắng cần có công trình ngầm kết nối với các di sản bên trên như khu vực UBND TP HCM, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành...
Hà Nội đi đầu
Nhu cầu sử dụng không gian ngầm tại các đô thị ngày càng cao và buộc chính quyền địa phương phải có quy hoạch cụ thể để đáp ứng.
Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa đóng dấu thẩm định 2 dự án xây dựng cao tầng có bố trí tầng hầm trong nội thành Quy Nhơn, gồm khách sạn Sala ở số 124 đường Phan Chu Trinh và khách sạn 5 sao kết hợp thương mại dịch vụ tại khu đất số 01 đường Ngô Mây.
Trước đó, tầng hầm của các công trình thuộc 2 dự án này chưa được quy định, xác định cụ thể trong đồ án quy hoạch phân khu đã phê duyệt nên Cục Quản lý hoạt động xây dựng chưa đóng dấu thẩm định hồ sơ, dẫn đến không thể triển khai những bước kế tiếp và thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình theo quy định. Đến ngày 22-8-2023, sau khi UBND tỉnh Bình Định phê duyệt bổ sung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị thuộc đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 tại 12 phường nội thành Quy Nhơn, 2 dự án khách sạn Sala và khách sạn 5 sao mới được gỡ vướng và được Cục Quản lý hoạt động xây dựng đóng dấu thẩm định.
Còn tại Đà Nẵng, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhận định thành phố này gặp hạn chế lớn do sự phát triển đô thị dày đặc, sân bay ngay giữa đô thị và địa hình đồi núi chiếm ưu thế ở phía Tây. Do đó, thành phố phải định hướng phát triển không gian ngầm trong dài hạn, đặc biệt là với các khu vực có giá trị kinh tế - xã hội lớn và bị hạn chế về phát triển cao tầng trong trung tâm đô thị hiện tại. Theo đồ án, thời gian tới, TP Đà Nẵng phải tăng cường việc sử dụng không gian ngầm nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất khu vực trung tâm thành phố, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.
Đi đầu trong công tác này chính là Hà Nội. Ngày 15-3-2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bản quy hoạch được lập trên cơ sở nghiên cứu, điều tra khảo sát điều kiện địa chất, thủy văn, đánh giá hiện trạng công trình ngầm trên địa bàn 20 quận, huyện (diện tích 756 km2). Quy hoạch đã dự báo nhu cầu sử dụng không gian xây dựng ngầm, phân vùng chức năng để nghiên cứu xây dựng công trình ngầm. Đồng thời, đã định hướng bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống công trình công cộng ngầm tại các khu vực đầu mối giao thông công cộng.
"Quy hoạch không gian ngầm có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng không gian của thành phố, đáp ứng các nhu cầu công năng của thành phố trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp. Dù TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch không gian ngầm nhưng cũng chưa thể hoàn thiện ngay mà cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch" - đại diện UBND TP Hà Nội nêu.
TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:
Chiến lược kết nối 2 bờ Đông - Tây sông Sài Gòn
Phát triển không gian ngầm phải đầu tư trọng điểm, trong đó quan trọng nhất đối với chiến lược phát triển không gian ngầm của TP HCM chính là kết nối không gian ngầm của trung tâm quận 1 với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thứ nhất, không gian ngầm nên tập trung ở khu vực công trình cao tầng mới phát huy hiệu quả và gắn kết với hệ thống metro thì càng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế đô thị. Thứ hai, đang có đề xuất tận dụng không gian ngầm ở công viên làm bãi xe, nên rút lại đề xuất này, bởi sẽ tiếp tục bê-tông hóa những không gian xanh ở khu vực trung tâm. Thay vào đó, cần lấy đất đô thị làm nhà xe cao tầng. Thứ ba, không gian ngầm nên mở đường cho các công trình cao tầng, những công trình này phải dành không gian ngầm này cho bãi đổ xe và hồ điều tiết. Thứ tư, cần có sự phối hợp đa ngành để bảo đảm công tác kết nối không gian ngầm trong tương lai khi thành phố đã có chính sách, định hướng. Thứ năm, cần có chiến lược rõ ràng để khai thác không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ. Đây là khu vực lý tưởng để làm đường hầm băng qua bến Bạch Đằng, đến Thủ Thiêm.
KTS PHẠM THANH TÙNG, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
Lấp khoảng trống quy hoạch không gian ngầm
Quy hoạch không gian ngầm cũng quan trọng không kém quy hoạch trên mặt đất. Từ trên mặt đất và lòng đất phải có quy hoạch liên kết với nhau, từ đó mới có thể phát triển đồng đều. Tại các đô thị lớn, nếu không có quy hoạch không gian ngầm, sau này sẽ rất khó khăn cho vấn đề xây dựng và phát triển.
Ngày 24-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11-11-2022 về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm, trình Quốc hội thời hạn từ năm 2024-2026.
Q.Anh - V.Duẩn ghi
Cuối năm nay trình Bộ Xây dựng thẩm định
Về tiến độ lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở QH-KT thành lập nhóm tư vấn nghiên cứu các ý tưởng về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố để tương tác thường xuyên với đơn vị tư vấn lập đồ án nhằm chuyển tải, cập nhật kịp thời các chỉ đạo có liên quan, giúp cho việc phối hợp thực hiện chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập đồ án. Đồng thời, trước ngày 20-11, Sở QH-KT phải hoàn thành báo cáo giữa kỳ và báo cáo cuối kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố; lấy ý kiến cơ quan chức năng theo quy định tại thành phố và trình Bộ Xây dựng thẩm định trong tháng 12-2023.
Q.Anh