Thứ bảy, 16/01/2021,07:26 (GMT+7)
“Cậu Vàng” - Sáng tạo nhưng chưa thuyết phục
Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, bộ phim “Cậu Vàng” nhận được sự chú ý của công chúng từ khi bấm máy đến khi công chiếu. Phim có sự đầu tư chỉn chu về bối cảnh, sáng tạo về nội dung, diễn viên thực lực, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế, thiếu thuyết phục.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.
Poster phim.
 
Nội dung của “Cậu Vàng” không chỉ kể câu chuyện về lão Hạc mà còn phối hợp lồng ghép nhiều tuyến truyện, nhân vật quen thuộc ở làng Vũ Ðại trước năm 1945 như: Bá Kiến, Lý Cường, mợ Ba, Binh Tư… Mỗi nhân vật được khắc họa sâu về tính cách, cuộc đời và có sự liên kết với nhau tạo nên cốt truyện nhiều kịch tính và khá lôi cuốn.
 
Bối cảnh phim được tái hiện công phu, tỉ mỉ. Từng chi tiết, đạo cụ, phục trang, mang lại cảm giác chân thực về làng quê Bắc Bộ ngày xưa. Ðiểm sáng nhất của phim là diễn xuất của các diễn viên, tất cả đều tròn vai từ chính đến phụ. Nghệ sĩ Viết Liên trong vai lão Hạc làm người xem xót xa, thương cảm bao nhiêu thì Bá Kiến do NSƯT Hữu Châu thể hiện lại khiến khán giả rùng mình bởi cái ác lạnh lùng toát ra từ lời nói, điệu bộ, ánh mắt, hành động. Phim làm bật được tinh thần của tác phẩm văn học là phản ánh hiện thực xã hội thời kỳ ấy, khi người dân bị bọn cường hào ác bá bóc lột đến tận cùng. Không chỉ có lão Hạc rơi vào bi kịch mà những người vô tội khác cũng chịu nhiều thống khổ.
 
Phim có nhiều sáng tạo để đẩy mâu thuẫn, xung đột giữa hai tầng lớp lên cao. Cha con Bá Kiến - Lý Cường muốn cướp đất đai của lão Hạc vì trong vườn của lão có cái giếng rất tốt cho phong thủy của nhà Bá Kiến. Do đó, chúng tìm mọi cách ép lão Hạc bán đất, ngay cả khi lão chết, chúng cũng đào mồ để tìm cho được văn tự mảnh vườn. Nhân vật Binh Tư trong văn học chỉ là tên trộm vặt, giờ được xây dựng như một “Chí Phèo” thứ hai, cũng đi tù về, người đầy sẹo và chuyên ăn vạ, gây chuyện, nhưng cuối cùng biết hoàn lương và đứng ra giúp người, chống lại cái ác. Mợ Ba nhà Bá Kiến được dành nhiều đất diễn với bi kịch về tình yêu, hôn nhân. Ðặc biệt, cậu Vàng không còn là một chú chó cưng đơn thuần mà được xây dựng với nhiều nhiều ưu điểm: tình cảm, khôn ngoan, dũng mãnh, nhiều lần cứu người và biết trả thù cho chủ.
 
Tuy nhiên, chính vì ôm đồm quá nhiều chi tiết, nhiều nhân vật nên tuyến nhân vật chính là lão Hạc và cậu Vàng bị lu mờ trước những kịch tính của gia đình Bá Kiến. Nguyên nhân và bi kịch bán chó của lão Hạc được khắc họa qua loa, không khiến người xem cảm nhận được nỗi đau khổ, sự day dứt của lão Hạc khi phải bán đi “người bạn” của mình. Ðóng vai cậu Vàng lại là một chú chó giống Shiba của Nhật nên không phù hợp với bối cảnh phim và gây nhiều tranh cãi trước khi phim ra mắt. Chú chó này lại được “anh hùng hóa” khi có thể trốn thoát khỏi tay bọn buôn chó một cách ly kỳ như con người, sau đó trở thành thủ lĩnh của bọn chó hoang và trở về trả thù cho chủ. Khán giả càng khó hiểu hơn khi Binh Tư mang ơn của lão Hạc chứ có liên quan gì đến mợ Ba mà lại sẵn sàng hy sinh tính mạng để giúp mợ Ba trốn thoát sự truy bắt của gia đình chồng?
 
Ðiều đáng nói nhất chính là phim có một cái kết mở ra tương lai tươi sáng cho con trai lão Hạc, mợ Ba khi cho họ được sống với người mình yêu. Cha con Bá Kiến - Lý Cường chịu sự trừng phạt theo quy luật “ác giả ác báo”… Ðiều này mang màu sắc cổ tích, không sát với hiện thực trước Cách mạng Tháng Tám. 
 
Dù còn nhiều điểm chưa thuyết phục và các ý kiến khen chê trái chiều nhưng nỗ lực đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh là điều đáng ghi nhận của đội ngũ làm phim.
 
CÁT ĐẰNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu